ĐBQH NGUYỄN THANH XUÂN GÓP Ý VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH EVFTA VÀ HIỆP ĐỊNH EVIPA

11/06/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia đóng góp ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ, cho rằng cần thiết phải sửa đổi các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ môi trường đầu tư.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ, phát biểu tại điểm cầu trực tuyến

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, việc Quốc hội của chúng ta phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19, cùng với Hiệp định CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của Việt Nam với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, theo đại biểu, đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc rằng EVFTA được ví là con đường cao tốc, đại biểu nhấn mạnh rằng con đường cao tốc hướng Tây kết nối chúng ta với một không gian thị trường rộng lớn, có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường. Mục đích tham gia FTA thế hệ mới của Việt Nam không chỉ tăng cường xuất khẩu, mở rộng sản xuất, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài mà còn coi các cam kết trong các FTA thế hệ mới, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và EVFTA là chất xúc tác để cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh và cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu tác động của chệch hướng thương mại, v.v.. Nhưng phần lớn các mục tiêu này là công việc tự thân của chính phía Việt Nam chúng ta, nói cách khác, các đối tác Việt Nam, kể cả trong EVFTA hay các FTA mà Việt Nam đã ký kết chỉ quan tâm đến việc tuân thủ các cam kết đã ký, còn hiệu quả thế nào lại là mối quan tâm của chúng ta.

Tuy nhiên, theo đại biểu, để thực hiện EVFTA có một số điểm cần thiết phải sửa đổi các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ môi trường đầu tư, như các cam kết về tiếp cận thị trường, đối xử quốc gia trong hoạt động đầu tư, tự do hóa đầu tư theo danh mục các cam kết về tự do hóa đầu tư, yêu cầu thực hiện, v.v.. Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là được nhìn nhận, chính là việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, luật hóa các quy định liên quan đến đầu tư để thực thi EVFTA và các hiệp định khác tác động trực tiếp phải hướng đến việc cải thiện sự thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thứ hai, xem xét, công bố, kiểm soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư; thúc đẩy việc phổ biến, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước để đảm bảo thực hiện đầy đủ, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch đầu tư để thu hút đầu tư và hướng dẫn thực hiện hiệu quả các chính sách để thu hút có chọn lọc đầu tư chất lượng cao, tập trung vào các ngành công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và các dự án có sản xuất quy mô lớn.

Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ như Luật Hỗ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ năm, thể chế hóa và tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ, là lĩnh vực mà phía đối tác vốn rất quan tâm và phía Việt Nam rất dễ vi phạm.

Đại biểu hoàn toàn nhất trí đối với các nội dung của bộ tài liệu trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, bày tỏ sự ủng hộ cao quyết tâm của Chính phủ trong việc ký kết và thực thi hai Hiệp định này./.

 

Bùi Hùng