ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH EVFTA VÀ HIỆP ĐỊNH EVIPA

09/06/2020

Ngày 20/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, cho rằng cần xác định ngay những hàng hóa, sản phẩm nào của Việt Nam là sản phẩm thế mạnh, có khả năng tham gia xuất khẩu vào thị trường EU.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo thuyết minh của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại đề nghị Quốc hội sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU để thể hiện Quốc hội Việt Nam cũng đã đồng hành cùng của Chính phủ trong suốt quá trình chuẩn bị 8 năm qua chứ không phải ngày hôm nay chúng ta mới trao đổi về những nội dung này. Quốc hội Việt Nam vui mừng đón nhận sự đồng tình của Ủy ban Châu Âu về những điểm đã được thỏa thuận trong hiệp định, đồng thời việc chúng ta thông qua ngay cũng thể hiện Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm được tiếp cận với thị trường Châu Âu, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu truyền thống đang gặp khó khăn do dịch bệnh để giúp cho hàng hóa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường và khách hàng mới.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã mở ra nhiều thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường của EU, như là tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa được mở rộng hơn, những nguyên liệu sử dụng ở những nước đã có FTA với EU đều được chấp thuận như là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Đây là một thuận lợi. Điểm thứ hai là các hàng hóa trao đổi giữa 2 bên Việt Nam và EU phần lớn là những hàng hóa bổ sung cho nhau chứ không phải là những hàng hóa cạnh tranh đối kháng. Ví dụ, trong lĩnh vực dệt may mà cả 2 Bên đều có thế mạnh, thế mạnh của EU đó là vấn đề liên quan đến thiết kế, thương hiệu, trong khi thế mạnh Việt Nam lại quá trình sản xuất và quá trình gia công. Do vậy, đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam xây dựng và phát triển những ngành hàng là thế mạnh nội tại của Việt Nam như nông sản, thủy, hải sản, dệt may, giày da, chế biến đồ gỗ theo hướng tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong cả nước.

Bên cạnh đó, cam kết trong Hiệp định EVFTA cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn so với những cam kết trong Hiệp định CPTPP, như tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của EU hoặc tối thiểu cũng phải đạt tiêu chuẩn của thế giới. Ví dụ hiện nay chúng ta đang phấn đấu để hàng nông sản chúng ta đạt tiêu chuẩn VietGAP để đưa vào xuất khẩu ở nhiều nước, nhưng muốn vào châu Âu được chúng ta phải đạt được tiêu chuẩn EUGAP hoặc tối thiểu cũng phải là GlobalGAP. Hiệp định thương mại của Việt Nam - EU cũng đòi hỏi rất nghiêm ngặt những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, về những yếu tố xã hội của lao động hoặc những yêu cầu về thông tin, về công khai, minh bạch. Do vậy, đây vừa là cơ hội, vừa là sức ép để buộc chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện luật pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng, đặc biệt là thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao đầu tư theo hướng chiến lược dài hạn, liên kết với nhau để tạo chuỗi cung ứng khép kín, để cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho hàng hóa Việt Nam.

Đại biểu bày tỏ sự vui mừng khi thấy Chính phủ đã chuẩn bị một bản dự thảo kế hoạch hành động để sau khi Quốc hội thông qua hiệp định thì các bộ, ngành sẽ bắt tay vào thực hiện ngay những nhiệm vụ được phân công. Tuy nhiên, trong bản kế hoạch này mới chỉ ra những hành động về truyền thông, về hoàn thiện thể chế, luật pháp và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý. Tất cả những việc trên mới chỉ là tạo ra sân chơi hấp dẫn cho những người chơi là những doanh nghiệp có đủ năng lực để hàng hóa, sản phẩm của họ đạt được các tiêu chuẩn ràng buộc và được coi như tấm vé để bước chân vào sân chơi này.

Đại biểu cho rằng Chính phủ cần xác định ngay những hàng hóa, sản phẩm nào của Việt Nam có khả năng tham gia xuất khẩu vào thị trường EU là sản phẩm thế mạnh, từ đó đánh giá ngay mức độ đáp ứng những yêu cầu, những tiêu chuẩn kỹ thuật, xem những hàng hóa đó đạt đến đâu, cần phải làm gì để đạt được các tiêu chuẩn của EU và Chính phủ phải làm gì về mặt chính sách, về mặt thể chế để giúp cho các doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn đó và các doanh nghiệp cần phải cố gắng đầu tư vào mặt nào để sản phẩm, hàng hóa của mình có thể tham gia vào thị trường này.

Đại biểu bày tỏ hy vọng lần này chúng ta hành động sớm và đồng bộ để các doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa Việt Nam có đủ năng lực để tự tạo cho mình tấm vé tham gia vào sân chơi do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được Quốc hội thông qua./.

Bùi Hùng