ĐBQH NGUYỄN CÔNG HỒNG THAM GIA Ý KIẾN VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH EVFTA VÀ HIỆP ĐỊNH EVIPA

09/06/2020

Chiều ngày 20/5, tham gia thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Công Hồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cho rằng không cần thiết phải ban hành nghị quyết riêng về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng phát biểu tại phiên họp

Tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Công Hồng tán thành ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh và các đại biểu khác, bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước, Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa nước ta với Liên minh Châu Âu và các nước thành viên của Liên minh Châu Âu.

Riêng về đề nghị Quốc hội cho phép công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định IPA tại một nghị quyết riêng, qua nghiên cứu kỹ nội dung có liên quan của Hiệp định, đại biểu Nguyễn Công Hồng cho rằng không cần thiết phải ban hành nghị quyết riêng về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư, vì những lý do sau đây:

Thứ nhất là quy định tại Điều 3.57 của Chương III Hiệp định Bảo hộ đầu tư đã đủ rõ, chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp mà không cần phải sửa đổi luật. Cụ thể là theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 7 Điều 3.57 của Hiệp định, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn do Ủy ban quyết định nếu xét thấy cần thiết, phán quyết của EVIPA mà bị đơn Việt Nam sẽ được tòa án có thẩm quyền xem xét, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc năm 1958, Công ước New York. Đại biểu nhấn mạnh nước ta đã là thành viên và các quy định tương tự trong Bộ Luật Tố tụng hình sự cũng coi đây là phán quyết của trọng tài nước ngoài cho thủ tục áp dụng tương tự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Sau thời hạn trên thì mỗi bên sẽ công nhận phán quyết là ràng buộc và cho thi hành các nghĩa vụ về tài chính trên lãnh thổ của mình, tương tự như phán quyết chung thẩm của Tòa án bên đó, đó là quy định tại khoản 2 Điều 3.57.

Thứ hai là nếu ban hành một Nghị quyết riêng về vấn đề này thì về bản chất, nội dung của dự thảo Nghị quyết cũng chỉ là quy định cụ thể hơn việc áp dụng trực tiếp Điều 3.57 của Hiệp định. Do vậy, việc ban hành một Nghị quyết riêng về vấn đề này là không cần thiết mà chỉ cần quy định một điều khoản riêng trong Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư, trong đó cho phép áp dụng trực tiếp. Đồng thời, giao cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan rà soát để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính thống nhất của pháp luật và tổ chức thực hiện. Phương án này sẽ khắc phục được vướng mắc trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của dự thảo Nghị quyết, nếu chúng ta ban hành riêng một Nghị quyết về thừa nhận và áp dụng như thế này, chúng ta sẽ rất vướng mắc về xác định hiệu lực của Nghị quyết này.

Thứ ba là việc bổ sung vào Nghị quyết phê chuẩn điều khoản cho phép áp dụng trực tiếp, bao gồm cả Điều 3.57 của Hiệp định không dẫn đến bất cứ bất lợi nào, mà ngược lại chúng ta không phải sửa luật. Chúng ta không phải xem xét để sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Luật Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, về mặt chính trị thì việc Quốc hội ban hành một nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư, trong đó có điều khoản công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo hiệp định thì thể hiện sự thiện chí, nhất quán cũng như quyết tâm chính trị cao của Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi Hiệp định.

Từ những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Công Hồng đề nghị Quốc hội cân nhắc không tách thành 2 nghị quyết mà quy định một điều khoản riêng trong Nghị quyết phê chuẩn cho phép áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư. Đồng thời, đại biểu cho rằng Chính phủ, Tòa án nhân tối cao và các cơ quan hữu quan cần rà soát để xem xét có thể tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật và tổ chức thực hiện./.

Bùi Hùng