ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN CHO Ý KIẾN VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỘT SỐ ĐOẠN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020

13/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Sau khi nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các tài liệu có liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam về cơ bản đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ sự đồng tình, ngoài ra đại biểu có một số góp ý sau:

Về sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là cần thiết với mấy lý do như sau:

Thứ nhất, nhằm đẩy nhanh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã bố trí cho dự án. Nếu theo kế hoạch vốn bố trí, đến năm 2020 mới đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư công. Như vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Đến năm 2020 sẽ không giải ngân hết số vốn đã bố trí trong giai đoạn 2016-2020. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, kinh tế nước ta đang gặp khó khăn, tăng trưởng GDP rất thấp, quý I đạt 3,82% nên rất cần một lượng vốn lớn đầu tư tập trung vào đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, khả năng huy động nguồn vốn tín dụng của các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn bởi các ngân hàng đã thắt chặt việc cho vay vốn các dự án PPP. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng cần cho các dự án này rất lớn, chiếm khoảng gần 50% tổng vốn đầu tư.

Thứ ba, tại thời điểm hiện nay, do nguồn vốn đầu tư công của dự án còn nhiều, khi tập trung đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế so với đầu tư theo hình thức PPP, đồng thời bảo toàn được vốn cho Nhà nước.

Thứ tư, qua sơ tuyển 8 dự án thành phần, có một dự án thành phần không sơ tuyển được nhà đầu tư là dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết nên cần thiết phải bố trí dự án này bằng nguồn vốn đầu tư công.

Về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư, đại biểu chỉ rõ, dự án gồm điều chỉnh 3 dự án đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Chính phủ đưa ra 3 phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công. Đại biểu đồng tình với phương án 3 là chuyển 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công là dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Do không sơ tuyển được nhà đầu tư, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây là 2 dự án quan trọng cấp bách nhưng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thấp, cần huy động các nguồn vốn rất lớn khácnên sẽ gặp khó khăn, nên cần phải điều chỉnh sang sử dụng vốn đầu tư công.

Về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, căn cứ vào Nghị quyết 52 của Quốc hội và Luật Đầu tư công thì thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là Quốc hội, trên cơ sở Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Cụ thể:

Về kiến nghị việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án thành phần trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau 6 tháng kể từ thời điểm ký hợp đồng dự án, nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án thì việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do vậy, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về kiến nghị cho phép Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để thực hiện điều chỉnh dự án và các trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư đối với các dự án được chuyển sang theo hình thức đầu tư công là không phù hợp với quy định. Theo Luật Đầu tư công thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án này thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, đại biểu cũng có một số ý kiến kiến nghị đối với Chính phủ như sau:

Thứ nhất, đối với các dự án thành phần chuyển từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư sử dụng vốn đầu tư công. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo Luật Đầu tư công, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời cần bảo đảm về tiến độ đầu tư không bị chậm hơn theo phương thức đầu tư PPP.

Thứ hai, đề nghị giải trình làm rõ tại sao dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây được xác định là dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối nhưng việc bố trí vốn đầu tư từ ngân sách có tỷ trọng thấp nhất so với các dự án khác, dẫn đến tình trạng hạn chế về nhà đầu tư tham gia ngay từ bước sơ tuyển.

Thứ ba, trong Tờ trình của Chính phủ đưa ra 3 phương án chuyển đổi các dự án từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Đề nghị bổ sung thêm 1 phương án là chỉ chuyển đổi phương thức đầu tư PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công với dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, sau đó phân tích, đánh giá tính hiệu quả của từng dự án để Quốc hội xem xét quyết định.

Thứ tư, cần có biện pháp giải quyết đối với các nhà đầu tư đã trúng sơ tuyển dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây như thế nào khi chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công./.

Hồ Hương