ĐBQH NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

13/06/2020

Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại đợt 2 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh bày tỏ tán thành với việc tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên ít nhất là 40% trong sửa đổi luật lần này và trong tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để đảm bảo bầu và bố trí đủ số lượng đại biểu chuyên trách theo quy định của pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất thêm, trong quá trình bầu cử cũng như sắp xếp tổ chức bộ máy có một kinh nghiệm từ thực tiễn ở địa phương hay Quốc hội cho thấy vấn đề không phải bố trí đủ số lượng mà vấn đề là đại biểu đảm bảo đủ chất lượng, điều kiện để hoạt động đại biểu chuyên trách. Trong quá trình đó, để đảm bảo một đại biểu dân cử mà bố trí làm chuyên trách hay ra ứng cử và đủ điều kiện để được người dân bầu cử, đảm bảo làm tốt nhiệm vụ của mình, thực sự phải có sự đấu tranh rất mạnh mẽ, kiên trì và rất quyết liệt để chọn được những ứng cử viên đảm bảo về chất lượng. Đây cũng là một vấn đề cần được quan tâm trong quá trình bầu cử và bố trí cán bộ.

Về cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, thực tiễn ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy để có một Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng như các cơ quan dân cử ở địa phương đảm bảo hoạt động chất lượng và chuyên nghiệp thì luôn luôn đòi hỏi phải có một cơ quan giúp việc chuyên nghiệp và riêng biệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, thực tiễn thí điểm sáp nhập các văn phòng bộc lộ khó khăn, bất cập, hạn chế nhất là trong chất lượng tham mưu, giúp việc, phục vụ mà báo cáo tổng kết thí điểm chưa đề cập đến. Đại biểu chỉ rõ, một là, khó đảm bảo tính khách quan trong công tác tham mưu. Đây là vấn đề cốt lõi cần thiết phải tổ chức một bộ máy đảm bảo tính khách quan trong công tác tham mưu chứ không phải là vấn đề giảm được bao nhiêu biên chế, không phải là vấn đề giảm được bao nhiêu đầu mối về tổ chức. Để một thiết chế, một thể chế trong bộ máy hành chính nhà nước như Quốc hội, như Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thì cần có một bộ máy giúp việc đảm bảo và phải cơ cấu lại bộ máy sao cho tinh, gọn, đảm bảo chất lượng chứ không phải gom đầu mối lại.

Trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu ra một hạn chế, đó là cơ bản là cơ học, cơ học có nghĩa nó không đáp ứng được yêu cầu mục tiêu mà Nghị quyết 18 của Trung ương đặt ra hay một hạn chế nữa là Chánh Văn phòng gặp khó khăn do khối lượng công việc quá lớn.

Báo cáo của Chính phủ cũng thể hiện là chưa giảm được thủ tục hành chính trong các xử lý công văn, thực ra vẫn là từng bộ phận khác nhau với một Chánh văn phòng. Như vậy, nếu nhìn nhận một cách khách quan, thực tế, rõ ràng việc này cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo hơn và cần phải có một đánh giá tổng kết một cách bài bản hơn để sửa luật kỳ này.

Đại biểu đề nghị trong sửa lần này phải rõ là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân để cho rõ ràng chính danh của cơ quan tham mưu, cơ quan giúp việc và cơ quan phục vụ./.

Bảo Yến