ĐBQH TÔ THỊ BÍCH CHÂU CHẤT VẤN BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

18/07/2020

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Chính phủ điện tử, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chưa đạt như kỳ vọng, vì vậy, Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đã có chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.

 

Chính phủ điện tử: Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Đầu tháng 7/2020, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức công bố 6 dịch công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, 6 dịch vụ công trực tuyến vừa được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc giao gồm:

 - Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính;

- Cấp mới, đổi giấy phép lái xe mức độ 4;

- Nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông;

- Nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông;

- Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Việc công bố thêm 6 dịch vụ công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến lên 725 dịch vụ, góp phần thúc đẩy số hóa; đồng thời với giá trị sử dụng của bản sao điện tử đã được chứng thực, giúp người dùng có thể thực hiện hầu hết các thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến trên môi trường điện tử.

Như vậy, sau 7 tháng đưa vào vận hành, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/ đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương. Việc sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia có thể giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện ước tính tối thiểu khoảng 1.686 tỷ đồng/năm. Cổng dịch vụ công quốc gia cũng góp phần loại bỏ tình trạng sách nhiễu, tham nhũng vặt trong lĩnh vực hành chính.

Cùng với các dịch vụ được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tại các cơ quan từ trung ương tới chính quyền cơ sở cũng đã triển khai một loạt các dịch vụ công giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chờ đợi.

Anh Mẫn Bá Lương Phong, phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội rất là bất ngờ về dịch vụ hành chính đăng ký online và được nhận kết quả tại nhà mà Ủy ban nhân dân phường Giang Biên mới triển khai thời gian qua. Anh Phong cho rằng, với hình thức đăng ký trực tuyến này, mọi thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không mất thời gian đi lại, chờ đợi của công dân và mong muốn dịch vụ này sẽ được duy trì thường xuyên.

Với đặc thù là lao động phổ thông, đi làm cả ngày chị Vũ Thị Thơm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội có ít thời gian tiếp cận với thông tin của tổ dân phố cũng như của chính quyền địa phương, nên khi Ủy ban nhân dân quận Hà Đông triển khai Chương trình Công dân điện tử thì chị Thơm nhận được thông tin của chính quyền gửi vào máy điện thoại mọi lúc, mọi nơi, giúp người dân chủ động hơn trong thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như chủ động thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Mô hình Chính phủ điện tử giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Việt Nam hiện đang đứng thứ 88/193 về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, tăng 1 bậc so với thứ hạng 89 trong cuộc khảo sát năm 2016. Việt Nam hiện đang đứng thứ 6/11 về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tại khu vực ASEAN.

Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử cho thấy, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Điển hình như năm 2019, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, 86,5% văn bản điện tử trao đổi qua mạng, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm… Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (9-12-2019) đến nay đã có 9/22 bộ, cơ quan và 100% tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Để đạt được kết quả này do các bộ ban ngành địa phương thời gian qua đã thực hiện tốt Nghị quyết 36a năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và mới đây là Nghị quyết số 17 năm 2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: Sau khi Nghị quyết 36a năm 2015 về Chính phủ điện tử ra đời thì việc xây dựng Chính phủ có sự chuyển biến rất lớn, góp phần cải cách hành chính trong đó có triển khai liên thông một cửa của nhiều địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã làm tương đối tốt. Đặc biệt, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi và cụ thể hóa trong các văn bản, nghị quyết phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công bước đầu được cải thiện.

Việc phát triển Chính phủ điện tử thực sự là một cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển nền hành chính công của Việt Nam tạo ra một phong cách lãnh đạo, điều hành hiện đại, hiệu quả và minh bạch, nâng cao mức độ hài lòng cho nhân dân và doanh nghiệp, khắc phục những điểm yếu cố hữu của hệ thống hành chính truyền thống như nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, bưng bít thông tin. Do vậy, xây dựng chính phủ điện tử là bước đi tất yếu trong tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam.

Xây dựng Chính phủ điện tử: Nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử nói chung và Nghị quyết 17 nói riêng vẫn còn những tồn tại hạn chế. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 tăng 10 bậc so với năm 2014 tuy nhiên trong hơn 15 năm qua Việt Nam luôn ở mức trên dưới 100, mức trung bình thấp của Bảng xếp hạng. Một số nhiệm vụ triển khai chưa đáp ứng được tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; còn tình trạng xin lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện. Bên cạnh đó, do thiếu sự lãnh đạo tập trung trong xây dựng Chính phủ điện tử dẫn đến tình trạng đầu tư trùng lặp, lãng phí, thiếu đồng bộ tại một số bộ, ngành, địa phương; một số văn bản tạo hành lang pháp lý cho xây dựng Chính phủ điện tử chưa được ban hành; tiến độ xây dựng một số hệ thống thông tin làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn chậm…

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, cho rằng:Thời gian qua Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử nhưng ở một số nơi hiện nay vẫn còn tình trạng có những nơi chưa mặn mà câu chuyện này, nên việc xúc tiến còn chưa như Chính phủ, cử tri và doanh nghiệp mong muốn. Bởi nếu cố tình không minh bạch với dụng ý gì đó thì quyết tâm sẽ không cao. Trên thực tế cũng có câu chuyện xảy ra là trên nóng, dưới ấm ấm, chứ chưa nóng theo”.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số muốn thành công cần có sự chuẩn bị tốt cả về cơ sở hạ tầng và con người, trong đó yếu tố con người là nhân tố quyết định thành công. Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nêu khó khăn đó là Chính phủ điện tử không có nghĩa là chỉ thực hiện tại các cơ quan Trung ương, như vậy sẽ không mang lại hiệu quả. Điều quan trọng là Chính phủ điện tử cần được thông suốt từ cơ quan Trung ương tới địa phương thông qua hệ thống mạng, làm cho hiệu suất của bộ máy nhà nước được nâng lên rõ rệt. Khó khăn thứ hai là hiện nay chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử nhưng các yếu tố kỹ thuật, nhân lực để áp dụng hệ thống kỹ thuật này cũng chưa đạt yeeuc ầu như mong muốn.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến: “Trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử có nhiều rào cản. Thứ nhất về con người. Cụ thể đối với lãnh đạo một số nơi vẫn chưa theo kịp xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, chưa ứng dụng nhiều công nghệ thông tin vào công việc hàng ngày của mình. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Thứ hai, hiện nay cơ chế chính sách vẫn chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ, để đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử. Trong các văn bản luật vẫn chưa được bổ sung các quy định yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào hoạt động. Thứ ba, đầu tư cho hạ tầng cơ sở cũng còn nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc xây dựng Chính phủ điện tử đang gặp nhiều khó khăn, đó là cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử hiện chưa có quy định cụ thể về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước; thiếu các quy định cụ thể về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử và các văn bản quy định việc sử dụng các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán cũng là những rào cản làm chậm quá trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Chính phủ Điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của chính phủ, cung cấp các dịch vụ công cộng, thực hiện các hoạt động của chính phủ trên các nền tảng số. Vì vậy việc phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Nhưng để đạt mục tiêu phát triển Chính phủ đề ra cần nhiều giải pháp mang tính đột phá. Do vậy, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh, đã có chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.

Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 29/11/2019 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 4294 trả lời đại biểu. Công văn nêu rõ:

Để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 17/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 định hướng đến 2025 nhằm nâng cao chỉ số phát triển chính phủ điện tử Việt Nam so với các nước trong khu vực, tăng từ 10-15 bậc trong bảng xếp hạng đánh giá của Liên hợp quốc. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết các tồn tại hiện nay của Chính phủ điện tử. Cụ thể:

1, Xác định các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến hết 2020, trong đó: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 30%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt 20%. Tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 50%. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử đạt 90%...

2, Ưu tiên phát triển các hệ thống nền tảng toàn quốc giai đoạn 2019-2020, gồm: Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Các hệ thống kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh mạng…

3, Xây dựng thể chế, văn bản hướng dẫn: Tập trung xây dựng, hoàn thành 5 Nghị định, gồm: Nghị định về thực hiện Thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức; Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004 của Chính phủ về công tác văn thư.

4, Nâng cao xếp hạng hạ tầng viễn thông của Liên hợp quốc: Tăng khoảng 10-15 bậc và thúc đẩy một số chỉ tiêu quan trọng như tỷ lệ người sử dụng internet, tỷ lệ băng rộng không dây, băng rộng cố định… thì cần thống nhất đầu mối cung cấp thông tin, số liệu.

5, Nâng cao xếp hạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông.

6, Thúc đẩy triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

7, Tăng cường công tác giám sát và đánh giá thực thi, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Tổ chức sơ kết, đánh giá việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

8, Giải quyết vấn đề về kinh phí cho Chính phủ điện tử: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử”. Đề nghị các địa phương bố trí tối thiểu 0.2% chi ngân sách cho Chính phủ điện tử.

9, Đề xuất chọn một Bộ và một số tỉnh để chỉ đạo điểm triển khai Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử, xây dựng mô hình điển hình để phổ biến, nhân rộng.

10, Giải quyết vấn đề thiếu đồng bộ và kết nối: Để giải bài toán kết nối, chia sẻ dữ liệu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đáp ứng các yêu cầu tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Như vậy, trong công văn trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 10 giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng xuất hiện những tồn tại, vướng mắc khiến việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này? Vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Chính phủ điện tử cần được nhìn nhận như thế nào? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Tô Thị Bích Châu về nội dung này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu đã có văn bản chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp thúc đẩy nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Vậy, xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng về nội dung nêu trên?

Bà Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Trong quyết tâm hành động của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tham mưu đẩy nhanh, đẩy mạnh hệ thống Chính phủ điện tử thông qua chương trình, kế hoạch, văn bản ban hành cụ thể; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có sự thông suốt trong quá trình thực hiện. Bởi Chính phủ điện tử là xương sống cho việc thực hiện cải cách hành chính. Đây là vấn đề hiện nay chúng ta đang còn vướng mắc rất nhiều. Do vậy, tại Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung này.

Phóng viên: Sau khi nhận được phiếu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản số 4294 trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Trong văn bản trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khá rõ các giải pháp, mặc dù vai trò của Bộ chủ yếu mang tính chất kỹ thuật, còn quan trọng chính là sự liên kết giữa các bộ ngành để đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử.

Phóng viên: Xây dựng thành công Chính phủ điện tử sẽ có tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế -xã hội, thưa đại biểu?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Việc xây dựng Chính phủ điện tử sẽ giúp tiết kiệm chi phí về giấy tờ. Thứ hai là tác động rất lớn đến người dân, giúp giảm thời gian đi lại của người dân giữa các bộ ngành địa phương; rút ngắn thời gian cho cán bộ thực thi nhiệm vụ không phải vận chuyển giấy tờ đi giấy tờ về mà chỉ cần có văn bản đến và quy định thời gian trả lời công dân bằng hệ thống điện tử hiện đại. Nếu làm đúng chức năng, nhiệm vụ đó thì Chính phủ điện tử mới thực sự hiệu quả.

Bà Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh

Phóng viên: Trong văn bản trả lời Bộ trưởng đã nêu lên 10 giải pháp để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử. Theo ý kiến của Đại biểu những giải pháp đưa ra liệu có khắc phục được những bất cập hiện nay?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Tôi tin rằng, với những giải pháp đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nghiên cứu rất kỹ để đưa ra 10 giải pháp đó. Vấn đề là con người để thực hiện các giải pháp này như thế nào và chất lượng để đảm bảo tiến độ đặt ra. Nếu như vẫn thực hiện như cũ, có nghĩa là báo cáo về tiến độ không định lượng được là bao nhiêu văn bản được cải cách thông qua Chính phủ điện tử, rút ngắn bao nhiêu thời gian mà Trung ương và địa phương phải chờ đợi đề trả lời người dân; cũng như văn bản quy rõ trách nhiệm giải trình hoặc hướng dẫn để tạo điều kiện cho địa phương thực thi nhiệm vụ thì mới là điều quan trọng.

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, thì trong 10 giải pháp nêu lên đâu sẽ là nhóm giải pháp trọng tâm, cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Tôi thấy răng, trong 10 giải pháp, thì giải pháp về con người vẫn cần được ưu tiên để những giải pháp đó được hiện thực hóa trong thực tiễn. Nếu nhân lực được đào tạo bài bản, quy rõ trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ thì hiệu quả của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử mới được đẩy nhanh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình với 10 giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, để xây dựng Chính phủ điện tử thành công thì cần có sự chung tay của các địa phương, bộ, ngành và cần có những giải pháp đồng bộ, bền vững, trong đó yếu tố con người đóng vai trò then chốt. Bởi nếu các cơ quan chức năng đặc biệt là người đứng đầu không trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt thì hiệu quả không cao. Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, thay đổi lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công việc. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tập trung quan tâm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, đào tạo cho đội ngũ công chức phù hợp với yêu cầu của Chính phủ điện tử./.

Lan Hương