ĐBQH NGUYỄN THANH HẢI: CẦN SỚM CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN BỊ THIỆT HẠI VỀ HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN

28/07/2020

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang nêu lên 5 vấn đề cần chú ý về tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2020, từ đó bình luận về việc có cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 hay không.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thanh Hải phân tích, về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Nghị quyết đề ra là 6,8%, tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh COVID-19, những khó khăn chung ảnh hưởng đến tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội và các tổ chức tài chính quốc tế dự báo như Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 4,8%. Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng 4,9%. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng 2,7%. Do đó, cần xem xét điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng này. Đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, đồng thời cũng cần tính toán, cân nhắc, phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý với tình hình thực tế có dự báo khả năng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Vấn đề thứ hai, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách từ trực tiếp đến gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế như chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Đến nay, ước tính quy mô tổng số biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 600.000 tỷ. Do đó, đại biểu đề nghị các chính sách hỗ trợ cần phải được chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng và người dân để tránh tình trạng “bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo” như báo chí đã nêu trong thời gian gần đây.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Vấn đề thứ ba, trong khi các ngành công nghiệp xây dựng, dịch vụ, du lịch suy giảm mạnh do ảnh hưởng bởi COVID-19 thì ngành nông nghiệp lại đóng vai trò cứu cánh trong thời điểm khó khăn. Đây không phải là lần đầu tiên ngành này đóng vai trò sứ mệnh của mình. Mặc dù đến thời điểm này, cả nước có khoảng trên 12.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu so với mức độ quan tâm đầu tư cho ngành nông nghiệp so với các ngành khác, có thể thấy tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn thấp so với các ngành khác. Từ đó đặt ra yêu cầu cần cân nhắc trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế thời gian tới, nhất là chính sách thu hút đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực này. Theo đại biểu, cần phải mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, tập trung tháo gỡ các rào cản về tích tụ, tập trung ruộng đất, các chính sách ưu tiên liên quan đến tiếp cận tín dụng đầu tư.

Vấn đề thứ tư, với tình hình bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay, đại biểu thống nhất cao với việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ở thời điểm này là nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là giải pháp tác động tổng cầu, nghiên cứu đề xuất của các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương và địa phương xem xét, điều chỉnh chuyển vốn đầu tư công từ dự án chậm giải ngân sang dự án khác. Tuy nhiên, cần lưu ý phải xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng để tránh cơ chế xin cho tiêu cực có thể xảy ra, đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công thời điểm hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hiệu quả, nghiên cứu tháo gỡ rào cản liên quan đến thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng để thu hút đầu tư của tư nhân. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/5/2020 tín dụng tăng trưởng mới chỉ đạt 1,96% so với cuối năm 2019, tỷ lệ rất thấp so với mức tăng trưởng 5,71% của 5 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc theo dõi sát diễn biến của nợ xấu tiềm ẩn và có những biện pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ.

Vấn đề thứ năm, đại biểu phản ánh, mùa hạn xâm nhập mặn năm nay đến sớm, bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình trạng hạn khẩn cấp, hạn mặn gây thiệt hại 43.000 hecta lúa, 80.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ cũng đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn, mặn, chưa kể đến sự ủng hộ bằng tiền mặt, hiện vật của các người dân, doanh nghiệp. Hạn không chỉ diễn ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cũng gánh chịu hạn hán rất nặng nề, tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt diễn ra ngày càng khốc liệt. Theo dự báo về tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan như hiện nay, chu kỳ hạn xâm nhập mặn sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên và khốc liệt hơn nữa trong những năm tới.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hành động, như năm 2016 vay vốn của Ngân hàng thế giới 310 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững cho 1,2 triệu dân ở 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng xâm nhập mặn, xói lở bờ biển. Hiện đã ban hành Nghị quyết 120 năm 2017 về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đứng trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền về Đề án an ninh nguồn nước nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Đây là đề án rất quan trọng, không thua kém gì Đề án an ninh lương thực quốc gia và an ninh năng lượng. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại về hạn hán, xâm nhập mặn, đưa các công nghệ mới, nhất là công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước vào phục vụ canh tác, sản xuất nông nghiệp để kịp thời đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp trong thời gian tới, vừa nhằm khôi phục diện tích canh tác hoặc chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp hơn, vừa đảm bảo được vai trò, vị trí quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc duy trì và giữ vững an ninh lương thực quốc gia.

Vấn đề thứ sáu, về môi trường, điểm tập kết và bãi rác trong nước. Đại biểu cho rằng vấn đề rác thải sinh hoạt hiện nay đã và đang là vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Đại biểu đưa ra giả định, nếu mỗi người trong số 90 triệu dân chỉ xả ra một lượng rác thải khoảng 100 gram các loại mỗi ngày, kể cả rác thải lương thực, thực phẩm, rác thải nhựa sẽ thành  9 tấn rác, thì một năm sẽ có 3,3 triệu tấn rác thải các loại, đây chỉ là con số tối thiểu, còn số thực tế rất lớn. Đại biểu phản ánh, việc xử lý rác là vấn đề rất lớn, tốn kém rất nhiều kinh phí, trong điều kiện kinh phí khó khăn như hiện nay. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt với địa phương, rà soát lại kết quả thực hiện Nghị quyết số 144 ngày 6/10/2008 của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xử lý rác, chất thải rắn ở 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020, để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vấn đề này cần triển khai thực hiện quy hoạch một cách nhanh chóng, kịp thời để giải tỏa cơn khát về tập kết rác, tập trung xử lý rác ở các vùng kinh tế trọng điểm và các tỉnh lân cận.

Bích Lan