ĐBQH TỐNG THANH BÌNH: ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CHƯA THỂ DỰA VÀO RỪNG ĐỂ ĐẢM BẢO SINH KẾ

28/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, tham gia thảo luận về báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Tống Thanh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ có những chính sách khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, đảm bảo coi rừng thực sự là một nghề.

Cơ bản đồng tình với đánh giá, nhận định của Chính phủ về điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Tống Thanh Bình tham gia thêm một số ý kiến, đồng thời có 4 kiến nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, về công tác bảo vệ, phát triển rừng và chi trả các chi phí liên quan. Đại biểu Tống Thanh Bình phản ánh, diện tích rừng cả nước hiện tại chủ yếu tập trung ở vùng địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn. Song thực tế cho thấy ở các khu vực này, đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể dựa vào rừng để đảm bảo sinh kế có thu nhập và sống ổn định từ rừng. Chính sách giao đất giao rừng chưa đi kèm với hướng dẫn quy định cụ thể về nguồn lực tài chính, định mức chi trả cho khoanh nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng tuy đã được cải thiện song còn quá thấp, chưa thực sự tạo động lực để người dân chủ động tự giác bảo vệ, phát triển rừng. Trong bối cảnh và thực trạng ở Việt Nam, khi các nước đầu nguồn các con sông, suối lớn đã và đang và sẽ thực hiện việc ngăn chặn dòng, vấn đề trồng rừng bảo vệ rừng để sinh thủy nước ngọt ổn định, an ninh nguồn nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đại biểu Tống Thanh Bình -  Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng, đảm bảo nguồn lực tài chính, nâng mức hỗ trợ tương ứng cho chăn nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, đảm bảo coi rừng thực sự là một nghề. Theo đại biểu, đây là một trong những giải pháp tốt nhất có thể thực hiện. Đảm bảo tính khả thi và động lực khuyến khích người dân chủ động, tích cực trong bảo vệ, phát triển rừng một cách tự giác lâu dài, duy trì sinh tuổi, tạo nguồn nước ngọt ổn định, an ninh nguồn nước, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Thứ hai, đại biểu Tống Thanh Bình đồng tình cao với nhận xét, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về công tác cán bộ và nguồn nhân lực, đó là tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm. Đa số các bộ, ngành và địa phương chưa đạt tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số theo quy định tại Quyết định 402 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn nhân lực dân tộc thiểu số hiện nay là thấp nhất cả nước. Kết luận 65 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn chính là do công tác tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số có thể khẳng định chưa được quan tâm đúng mức. Đây là một trong nhóm 5 nhất được duy trì bền vững giai đoạn trước đây trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đó là: có chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, với hơn 21% người trên 15 tuổi hiện nay còn chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Do vậy, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ có giải pháp và ưu tiên nguồn lực đảm bảo để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để tập trung đẩy mạnh giáo dục, đào tạo các cấp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch về chất lượng đào tạo giữa các vùng, miền.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần thực hiện đầu tư xây dựng Học viện Dân tộc để có đủ điều kiện cơ sở vật chất hoạt động phục vụ cho công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, người dân tộc thiểu số. Chỉ đạo thực hiện rà soát, tổng kết, đánh giá lại các chính sách đã và đang tổ chức thực hiện có liên quan đến công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số ở cả trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó có giải pháp cụ thể, giải quyết triệt để tình trạng bất cập về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay, xem xét nếu cần có thể kiến nghị Quốc hội, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số.

Thứ ba, về dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2015-2020 được Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 4295 ngày 28/10/2016 nhưng giai đoạn này chưa được bố trí giao vốn, nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Đến ngày 13/12/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1740 về phê duyệt chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự án được xác định bố trí nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Tiếp đó, các ngành chức năng đã chủ động trong việc chỉ đạo triển khai các bước thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, thời hạn thực hiện của dự án đã gần kết thúc nhưng vẫn chưa bố trí được vốn để tổ chức thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đẩy nhanh các biện pháp, sớm bố trí vốn để thực hiện chương trình, đáp ứng sự chờ đợi, mong mỏi của đồng bào, nhân dân các dân tộc, đối tượng trực tiếp thụ hưởng dự án.

Thứ tư, Quyết định số 775 ngày 27/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 về cơ bản đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, một số nội dung của quyết định cho thấy chưa thực sự phù hợp, còn những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Cụ thể, tại điểm a khoản 2 Điều 1 quy định về hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và bàn ghế học sinh, trang thiết bị, đồ dùng, nhà ăn, nhà bếp, khu ở nội trú, sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất các trường, điểm trường tiểu học, THCS công lập có học sinh bán trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Với quy định chỉ cho phép sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, không cho xây mới nên khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn do nhiều hạng mục được đầu tư xây dựng lâu ngày đã xuống cấp. Việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp là không phù hợp, nếu được xây mới thì hiệu quả sử dụng đảm bảo sẽ cao hơn nhiều so với việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, đặc biệt là sẽ tránh gây lãng phí. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh đối với quy định này để chương trình được thực hiện một cách đồng bộ, phát huy hiệu quả cao nhất.

Bích Lan