GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐỂ HỒI PHỤC NỀN KINH TẾ NHANH CHÓNG, CẦN BỔ SUNG NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ KHÁC

03/08/2020

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, để hồi phục nền kinh tế nhanh chóng, ngoài những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện thì cần thêm những giải pháp căn cơ khác.

 

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, sau đó lan rộng ra các quốc gia khác. Mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế-xã hội được đánh giá là nghiêm trọng. Đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong Quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gặp khó khăn. Các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh; ngành du lịch, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, y tế, kinh doanh bất động sản … cũng chịu ảnh hưởng lớn. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng chậm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm sâu.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Trước diễn biến và tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm "chống dịch như chống giặc", kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Để hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với các doanh nghiệp ngay trong lúc dịch còn đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện ngay 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 07/4/2020 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành nghề chịu tác động nặng nề, trực tiếp của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Về vấn đề xã hội, lao động việc làm, sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay ưu đãi hướng tới 06 nhóm đối tượng cụ thể.


Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Báo cáo trước Quốc hội về thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Những vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm cho thấy: Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản bình quân tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. Có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng thiết yếu.

Về thu ngân sách Nhà nước: thu ngân sách Nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm khi nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng với các biện pháp ưu đãi về thuế.

Về đầu tư công: Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.

Về xuất khẩu: Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu. Việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.

Về tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai: Hạn hán, sạt lở, lũ quét, mưa đá, dông lốc ở nhiều tỉnh, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn tới trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với đại dịch Covid-19 đối với người dân, nhất là ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là nội dung cấp bách cần được quan tâm phản ánh đầy đủ và có giải pháp hiệu quả hơn.

Về hoạt động đối ngoại: Dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực đến mối quan hệ đối ngoại trên thế giới và việc Việt Nam chuẩn bị tổ chức các sự kiện quốc tế. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về vấn đề này.

Về một số lĩnh vực khác: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị báo cáo kết quả xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc; việc tính toán giá điện trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh. Tình hình bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ còn nhiều bất cập. Tình hình chặt phá rừng ở Tây Nguyên thời gian gần đây diễn ra phức tạp...

Trước những vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2020, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội trong những tháng tiếp theo của năm 2020.


 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã có những nhìn nhận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 cũng như đưa ra quan điểm thiết thực nhằm góp phần phục hồi nhanh chóng nền kinh tế của đất nước.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2020?

Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Do tác động của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I của năm 2020 giảm xuống mức trên 3,8% so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2020 còn thấp, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề hạn hán, sạt lở, lũ quét, mưa đá, dông lốc ở nhiều tỉnh, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn tới việc trồng trọt, thu nhập của người dân và cũng tác động lớn đến kinh tế ở khu vực này.

Phóng viên: Trước đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh và góp phần hồi phục nền kinh tế. Đại biểu nhận định về những giải pháp đó như thế nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Để phục hồi nền kinh tế nhanh chóng, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng chính sách, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cho đến nay, theo phản ánh của một số địa phương, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ do thủ tục thụ hưởng còn rườm rà. Vì vậy, Chính phủ cần có sự chỉ đạo kịp thời và giám sát việc thực hiện  hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng. Ngoài ra, Chính phủ phải có những gói kích cầu, giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định, phát triển sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho lao động.

Trong khi nền kinh tế đang bị tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng đưa ra giải pháp chống lãng phí từ việc sử dụng tài sản công. Đây được đánh giá là giải pháp cấp thiết, phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện chống lãng phí từ việc sử dụng tài sản của người dân, của xã hội là vấn đề hết sức quan trọng. Theo đó, hiện nay, ở các địa phương tổ chức rất nhiều lễ hội, có nơi tổ chức lễ hội hoành tráng. Mặc dù có nơi không sử dụng tiền ngân sách của Nhà nước nhưng tiền huy động từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phục vụ cho tổ chức lễ hội rất tốn kém.

Việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu tổ chức các lễ hội một cách tiết kiệm, không phô trương thì sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động an sinh xã hội. Ví dụ như một lễ hội phải tốn kinh phí lên tới 10 tỷ đồng nhưng nếu tiết kiệm thực hiện chỉ 5 tỷ đồng thì số tiền còn lại nên dành cho các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ cho công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng cầu đường ở vùng nông thôn... Việc tiết kiệm kinh phí tổ chức các lễ hội cũng góp phần giảm bớt ngân sách của Nhà nước chi cho hoạt động này.


Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Phóng viên: Ngoài những giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện, đại biểu có thể đưa ra đề xuất riêng của mình để góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân?

Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Một nội dung khác, tôi đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội là quan tâm hơn đến đời sống sinh hoạt của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi mà xâm nhập mặn, sạt lở, hạn hán gây ra mất mùa nên cần phải có vùng trữ nước ngọt. Tất nhiên, để có được vùng trữ nước ngọt này thì sẽ mất đi nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân. Vì vậy, Chính phủ phải có những giải pháp căn cơ và có hỗ trợ lâu dài cho người dân khi bị mất đất để dành cho việc quy hoạch vùng trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Ngoài ra, để kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có thể được khởi công vào đầu năm 2021. Đây là tín hiệu vui mừng với người dân nơi đây nhưng việc kết nối đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ được Chính phủ phê duyệt đã 4 năm nay lại có khả năng tiến độ thực hiện chậm lại. Vì vậy, Chính phủ cần đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng để đoạn đường cao tốc này được triển khai trong thời gian sớm nhất. Việc làm này cũng nhằm tăng cường sự kết nối, tạo sự phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đặc biệt cần quan tâm trên hết là, do đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường nên chúng ta vẫn phải quyết liệt phòng ngừa, kiểm soát được dịch bệnh, không để lan ra cộng đồng và củng cố ví thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về cơ bản, Đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định: Đại dịch Covid đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân. Vì vậy, để phục hồi nền kinh tế được nhanh chóng, ngoài những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện thì Chính phủ và các địa phương, Bộ ngành vẫn tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tránh lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó là tăng cường đưa ra giải pháp chống lãng phí từ việc sử dụng tài sản công, chống lãng phí khi tổ chức lễ hội, có những giải pháp căn cơ cho việc quy hoạch vùng trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan