ĐBQH PHAN THỊ BÌNH THUẬN GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

08/08/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Phan Thị Bình Thuận - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần bổ sung quy định về tiêu chí để xác định mức tăng, giảm tương ứng với tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ để xác định mức xử phạt hành chính.

 

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Phan Thị Bình Thuận tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về mức tiền phạt tại khoản 11 Điều 1 của dự thảo Luật, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức tiền phạt tối đa đối với 10 lĩnh vực, bổ sung mức tiền phạt tối đa đối với 6 lĩnh vực, giữ nguyên mức tiền phạt tối đa đối với các lĩnh vực khác. Theo đại biểu Phan Thị Bình Thuận, trên thực tế, hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng nhiều nhất là phạt tiền. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, xem xét có đánh giá toàn diện, khoa học về mức tiền phạt tối đa để có mức tiền phạt tối đa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, đủ sức răn đe, hợp lý và phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính, nếu mức phạt quá thấp cũng không đủ sức răn đe, nếu như mức phạt quá cao, quá hà khắc thì khó khả thi trong thực tiễn.

Ngoài ra, đối với vi phạm trong một số lĩnh vực gây hậu quả lớn cho xã hội, làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân, đến an ninh, quốc phòng, đại biểu Phan Thị Bình Thuận đề nghị cần nghiên cứu tăng mức hình phạt tối đa để tương xứng với tính chất, mức độ và yêu cầu quản lý trong các lĩnh vực này. Ví dụ như hành vi vi phạm trong lĩnh vực đối ngoại xuất, nhập cảnh, quá cảnh.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay, một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ, mức tiền phạt là mức trung bình của khung hình phạt được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có tình tiết tăng nặng mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung hình phạt, trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung hình phạt. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định tiêu chí, nguyên tắc tăng, giảm tiền phạt, đặc biệt là trong trường hợp có từ 2 tình tiết tăng nặng hoặc 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức tăng, giảm tương ứng với tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ để xác định mức xử phạt phù hợp.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề giao quyền xử phạt, đại biểu Phan Thị Bình Thuận cho biết, dự thảo đã sửa đổi nội dung về giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo hướng thuận lợi hơn, tuy nhiên, tại khoản 34 Điều 1 dự thảo nêu rõ “người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã giao quyền nếu thực hiện quyền xử phạt vi phạm hành chính thì phải có quyết định chấm dứt việc giao quyền”. Đại biểu đề nghị bỏ nội dung trên do thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là thẩm quyền của các chức danh cụ thể được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc giao quyền để đảm bảo thuận lợi, linh hoạt, xử lý khi người trưởng đi vắng thì người phó được giao quyền sẽ thực hiện xử lý thay. Nếu quy định như dự thảo, bằng một quyết định giao quyền, người trưởng tự tước quyền của mình là không đúng với Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời không đảm bảo sự phối hợp linh hoạt trong giải quyết công việc.

Thứ ba, về lập biên bản vi phạm hành chính tại khoản 35 Điều 1 của dự thảo, đại biểu Phan Thị Bình Thuận phân tích một số vấn đề sau:

Liên quan đến việc thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính, dự thảo quy định thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính theo ba nhóm là 24 giờ, 48 giờ và 3 ngày làm việc, đại biểu đề nghị cân nhắc không đưa nội dung sửa đổi này vào trong dự thảo. Theo đại biểu, bản chất của việc lập biên bản vi phạm hành chính là ghi nhận hành vi vi phạm hành chính để làm cơ sở cho việc xử lý. Vì vậy, việc lập biên bản vi phạm hành chính chỉ và phải thực hiện khi đã xác định được có hành vi vi phạm hành chính. Do đó, việc phân chia các nhóm thời hạn khác nhau như dự thảo là không cần thiết. Ngoài ra, việc phân chia các loại thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính như dự thảo sẽ làm phát sinh những khó khăn, phức tạp như phải xác định trường hợp nào thì lập biên bản trong vòng 24 giờ, trường hợp nào thì lập biên bản trong vòng 48 giờ. Bên cạnh đó, nếu vào trường hợp phải lập biên bản trong vòng 24 giờ nhưng người có thẩm quyền để quá 24 giờ thì xử lý như thế nào? Hơn nữa, qua thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính không phải vướng mắc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Về nội dung của biên bản vi phạm hành chính. Đại biểu Phan Thị Bình Thuận cho biết, trong nội dung biên bản có yêu cầu phải ghi rõ biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Thực tiễn thực hiện quy định này đã phát sinh các vướng mắc, cụ thể, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo thủ tục, thẩm quyền riêng và độc lập so với thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính có 9 biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính, ngoại trừ trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được sửa đổi, bổ sung tại khoản 70 Điều 1 của dự thảo, phần lớn các biện pháp còn lại chỉ được áp dụng sau khi người có thẩm quyền đã ban hành quyết định áp dụng. Như vậy, mặc dù ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nội dung ghi ở biên bản vi phạm hành chính cũng không thay thế cho trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính dẫn đến các trường hợp ghi trong biên bản vi phạm hành chính nhưng thực tế không thực hiện được. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc việc ghi biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong biên bản vi phạm hành chính.

Liên quan đến vấn đề ghi nội dung cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình vào biên bản vi phạm hành chính, đại biểu Phan Thị Bình Thuận đề nghị bỏ nội dung trên do quyền giải trình là quyền của tổ chức, cá nhân bị lập biên bản vi phạm hành chính. Theo đại biểu, có thể lúc lập biên bản vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân không có ý định giải trình, nhưng sau khi nhận biên bản vi phạm hành chính họ mong muốn thực hiện giải trình thì cơ quan, người có thẩm quyền vẫn phải tiếp nhận mà không có quyền từ chối.

Về việc giao biên bản vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức vi phạm. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trường hợp phải gửi biên bản vi phạm hành chính, thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận biên bản vi phạm hành chính, né tránh, không có mặt tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính được tính như nào. 

Đồng thời, đại biểu Phan Thị Bình Thuận cũng đề nghị cần dự liệu đầy đủ cách xử lý những trường hợp không biết được chính xác thông tin, địa chỉ liên lạc của đối tượng do đối tượng không cung cấp, cung cấp không chính xác, trốn tránh, không có mặt lúc lập biên bản vi phạm hành chính dẫn đến không gửi được biên bản vi phạm hành chính./.

Minh Thành