GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU (SỬA ĐỔI)

05/08/2020

Từ ngày 01/7/2021, Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề mới phát sinh, có những quy định chặt chẽ phù hợp thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai.

 

Thiên tai ngày càng nghiêm trọng

Những năm gần đây, thiên tai diễn biến rất khốc liệt, dị thường cả về cường độ lẫn tần suất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, 6 tháng đầu năm 2020 thiên tai đã gây nhiều hình thái thiên tai bất thường: Dông lốc, lũ quét, sạt lở đất; hạn hán, xâm nhập mặn… diễn ra trên diện rộng và trái quy luật tự nhiên. 47 người chết, 130 người bị thương; 1.765 nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (54.793ha thiệt hại do hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; 16.956ha bị thiệt hại do hạn hán tại Nam Trung Bộ; 36.643ha bị thiệt hại do mưa lớn, dông lốc); 7.955 con gia súc, gia cầm chết...Ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến 3.383 tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra trên cả nước. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ liên tục chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa đá, giông lốc. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

Thiên tai ngày càng nghiêm trọng

Ông Vũ Đức Long, PGĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, Năm 2020 nhiệt độ trên toàn quốc tăng hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ dẫn đến lượng mưa thiếu hụt, nắng nóng xảy ra.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết hệ thống đê điều nước ta có quy mô lớn với tổng số 9.078 km đê, trong đó có hơn 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Qua đánh giá hiện trạng công trình đê điều, các địa phương đã xác định trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 399 km đê thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt còn nhỏ; 160 km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 kè hỏng, xung yếu và 230 trọng điểm đê điều xung yếu. Nếu các trận mưa cực đoan như trận mưa lớn năm 2008 gây lụt Thủ đô Hà Nội, trận mưa lũ lịch sử năm 2017 tại miền trung... xảy ra khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du thì khả năng xảy ra lũ lớn, uy hiếp an toàn đê điều.

Nhiều nút thắt trong Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều 

Việt Nam là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã không còn phù hợp với thực tiễn. Điển hình như vẫn còn tồn tại loại hình thiên tai chưa được phân cấp rủi ro thiên tai; chưa hình thành các đội ứng phó thiên tai chuyên nghiệp sẵn sàng điều phối xử lý mọi sự cố đê điều, hồ đập, thiên tai có thể xảy ra. Khi có sự cố lớn, việc điều phối, hướng dẫn chuyên môn đối với các lực lượng tham gia xử lý sự cố còn lúng túng, chưa kịp thời; Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở chưa được tổ chức, tập huấn, huấn luyện và trang thiết bị đúng mức, năng lực ứng phó thiên tai đặc biệt là ứng phó giờ đầu khi có tình huống thiên tai còn rất hạn chế.

Việc xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai tuy đã được các địa phương quan tâm thực hiện, song nhiều phương án chưa sát thực tế diễn biến của thiên tai, nhất là trong điều kiện nhiều loại hình thiên tai ngày càng có xu thế cực đoan, trái quy luật. Vì vậy, khi triển khai thực hiện còn rất lúng túng, dẫn đến nhiều thiệt hại không đáng có vẫn thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra, nguồn lực hỗ trợ cho công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai còn rất hạn chế so với yêu cầu của các địa phương. Quy trình hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai còn chậm trễ, chưa kịp thời.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều

Trước những tồn tại hạn chế này, đòi hỏi Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện cùng sự tham gia của toàn xã hội đảm bảo công tác phòng chống thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. Một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống thiên tai mà đỉnh cao là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Từ những đòi hỏi cấp thiết này, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã trình lên Quốc hội tờ trình về việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều.

Ngày 17/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều với 446 /452, đạt tỷ lệ  92,34% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật kỳ vọng giải quyết hiệu quả những nút thắt trong công tác phòng chống thiên tai.

Sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới trong Luật Phòng chống thiên tai và Luật đê điều

 Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Theo thống kê, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm thiệt hại về kinh tế khoảng từ 1-1.5% GDP và gây ra những hệ lụy lâu dài đối với môi trường, tác động lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, việc kịp thời hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng chống thiên tai trong tình hình mới là vô cùng cần thiết, đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề phát sinh, bên cạnh đó bảo đảm tính chủ động trong phòng chống và giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Đại biểu có thể chia sẻ về những điểm mới đáng chú ý trong Luật?

Đại biểu Trương Thị Yến Linh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

- Đại biểu Trương Thị Yến Linh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Về chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai. Ngoài 05 chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai như quy định trước đây, Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi đã bổ sung 02 chính sách mới bao gồm:

Một là ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai.

Hai là, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung tổ chức của Quỹ Phòng, chống thiên tai. Theo quy định mới, Quỹ Phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được tổ chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh (trước đây chỉ tổ chức ở cấp tỉnh). Đồng thời Luật bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng chống thiên tai.

- Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ: Luật Phòng chống thiên tai đã bổ sung ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai. Theo Luật Phòng, chống thiên tai sửa đổi, ngân sách Nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hàng năm, kế hoạch trung hạn, dự phòng ngân sách Nhà nước, Quỹ Dự trữ tài chính (trước đây chỉ gồm ngân sách Nhà nước theo dự toán chi hằng năm và dự phòng ngân sách Nhà nước).

Ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.

Luật Đê điều (sửa đổi) lần này điểm mới đáng chú ý là đã bỏ quy định phải có cầu dẫn trên bãi sông khi xây cầu qua tuyến sông có đê.

Phóng viên: Đại biểu có thể chia sẻ một số nút thắt cơ bản sẽ được gỡ khi Luật có hiệu lực từ 01/7/2021?

Đại biểu Trương Thị Yến Linh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Luật quy định quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương chủ yếu được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp, thiệt hại nghiêm trọng và điều tiết giữa các địa phương, khu vực; Nguồn kinh phí Quỹ phòng, chống thiên tai được điều chuyển giữa Quỹ ở Trung ương và Quỹ ở địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, quỹ này sẽ có vai trò quan trọng góp phần xử lý, hỗ trợ cho các địa phương khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời để tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai. Việc thành lập quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương cũng gỡ được nút thắt trong cơ chế tiếp nhận. Thực tế thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thiên tai, lại là nước bị thiệt hại nặng nề do thiên tai nên một số Chính phủ, tổ chức quốc tế đã có hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận.

Một vấn đề nữa tôi cũng rất quan tâm là: Nước ta đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng do những tác động bất lợi của thời tiết, trong đó có sự cố nắng nóng, hạn hán kéo dài và cũng đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, mà phải sử dụng bộ máy của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó. Tuy nhiên, ở Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội thông qua năm 2013 chưa quy định cháy rừng là loại hình thiên tai vào trong Luật. Do vậy, việc bổ sung quy định cháy rừng là thiên tai trong Luật mới này sẽ khắc phục được hạn chế của quy định hiện hành trong Luật Lâm nghiệp và Luật Phòng cháy và chữa cháy do hai luật này chủ yếu chỉ quy định phòng ngừa tác nhân cháy do con người gây ra.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ

- Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ: Trong Luật sửa đổi bổ sung lần này cũng đã quy định rõ lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực dân quân ở thôn, dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương. Tôi cho rằng, Luật đã quy định nguồn nhân lực quan trọng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, quy định rõ lực lượng xung kích sẽ làm cơ sở để đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng, trang bị phương tiện, công cụ cho lực lượng này và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống thiên tai trên địa bàn. Qua đó có thêm nguồn lực xã hội khắc phục hiệu quả, kịp thời khó khăn của người dân vùng bị thiên tai về cả vật chất và tinh thần.

Luật cũng sửa đổi bổ sung quy định điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất để thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và hoạt động phòng, chống thiên tai. Tôi cho rằng, qua quá trình này sẽ đánh giá được hiện trạng về số lượng, chất lượng, năng lực của công trình phòng, chống thiên tai và công trình hạ tầng có liên quan đến phòng, chống thiên tai. Đánh giá được hiện trạng về cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách, nhân lực, tài chính, trang thiết bị trong hoạt động phòng, chống thiên tai; Hiện trạng hệ thống thông tin, quan trắc, giám sát thiên tai và các dữ liệu phòng chống thiên tai. Đồng thời cũng đánh giá kịp thời tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai; tác động của thiên tai đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội qua đó giúp chúng ta chủ động ứng phó hiệu quả hơn trong công tác phòng chống thiên tai./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 thiên tai đã đã cướp đi sinh mạng của 47 người, 130 người bị thương; 1.765 nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 7.955 con gia súc, gia cầm chết...Ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến 3.383 tỉ đồng. Cho thấy biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Việc thống nhất và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 tới thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đối với toàn cầu nói chung, đối với từng người dân Việt Nam nói riêng trong công tác phòng, chống thiên tai./.

Lê Phương