GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

14/08/2020

Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước thách thức to lớn. Sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giám sát, bảo vệ môi trường ở địa phương.

 

Biến bãi rác thành vườn hoa

Tại ngõ 58 phố Trần Bình, tổ 23, phường Mai Dịch, quận Nam Từ Liêm, Tp.Hà Nội, một vườn hoa xanh mướt đã được mọc lên tại nơi từng là một bãi rác. Vườn hoa hoàn thành hồi cuối tháng 5.2016. Đây là thành quả của Đoàn Thanh niên, nhóm sinh viên K33 Học viện Báo chí - Tuyên truyền và những người dân tại ngõ phố 58 Trần Bình chung sức thực hiện. Đến nay, sau hơn 4 năm hoàn thành vườn hoa vẫn xanh tươi, các chậu cây được cư dân trong khu phố chăm sóc cẩn thận.

Ông Nguyễn Thiện Thuật, Tổ trưởng Tổ dân phố số 23, phường Mai Dịch 

Ông Nguyễn Thiện Thuật, Tổ trưởng Tổ dân phố số 23, phường Mai Dịch cho biết, trước kia nơi đây là bãi rác rất ô nhiễm nhưng nhờ ý tưởng và sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên, các bạn sinh viên cùng nhân dân tổ 23, chúng tôi đã xây dựng nên vườn hoa từ bãi rác. Hàng ngày bà con trong khu phố thay nhau tưới và chăm sóc cây giúp cho quang cảnh nơi đây trở nên xanh sạch đẹp.

Hiện tại, phường Mai Dịch, nơi đầu tiên biến bãi rác thành vườn hoa, cũng đã nhân rộng thêm mô hình này tại phường. Việc làm ý nghĩa này đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp cải thiện môi trường sống tại cộng đồng dân cư đồng thời  nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung.

Vườn hoa trên nền bãi rác trước đây tại ngõ 58, phố Trần Bình

Không chỉ tại phường Mai Dịch mà ở số 3 phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm mô hình vườn hoa trên bãi rác cũng được triển khai.

Nhớ lại thời điểm khi mới về khu vực này sinh sống, bà Nguyễn Thị Chức, người dân sống tại phố Phúc Tân chia sẻ, trước đây khoảng tường rào dài gần 10m nằm sát với khu nhà số 3 Phúc Tân là điểm đen về tập kết rác thải sinh hoạt. Trước tình trạng mất vệ sinh môi trường, Đoàn Thanh niên đã triển khai ý tưởng và xây dựng công trình vườn hoa tại đây. Từ khi công trình hoàn thành, phong quang khu vực trở nên sạch sẽ không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi.

Bà Nguyễn Thị Chức, người dân sống tại phố Phúc Tân

Từ khi hoàn thành vườn hoa số 3 Phúc Tân, tình trạng tập kết rác gây bức xúc trong cộng đồng dân cư kéo dài nhiều năm đã hoàn toàn chấm dứt. Vườn hoa không chỉ tạo cảnh quan thiên nhiên gần gũi mà còn tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Giờ đây, việc thu gom, bỏ rác đã được thực hiện đúng nơi quy định, người dân còn thường xuyên tham gia công tác quét đường, vệ sinh đường phố.

Không chỉ biến bãi rác thành vườn hoa, một số nghệ sỹ, bạn trẻ đã thực hiện dự án dọn dẹp, trang trí để biến bãi rác thành những tác phẩm nghệ thuật. Khu vực ven sông Hồng nơi từng bị coi là “khoảng tối” của phường Phú Tân về điểm đen xả rác. Với ý tưởng biến bãi rác thành nơi nghệ thuật, trên nền bức tường dài 500 m cũ kỹ, các tác phẩm nghệ thuật của đã được hình thành từ chính nguyên vật liệu tái chế, rác thải của khu vự này.

Bà Nguyễn Thị Mai, người dân sinh sống tại phường Phúc Tân, cho biết, từ khi có không gian nghệ thuật này, người dân chúng tôi vui lắm, trẻ con có chỗ chơi, người già có nơi đi lại tập thể dục sạch sẽ. Bên cạnh đó, người dân cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung.

Tác phẩm“Gánh hàng rong” làm từ sắt phế thải và inox gương ánh vàng ánh bạc của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn

Dự án nghệ thuật công cộng phường Phúc Tân do 16 nghệ sỹ tham gia đã tạo nên một phép màu cho quanh cảnh nơi đây. Dự án đã tận dụng những đồ tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ống bô xe máy, ... biến những thứ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật, sắp xếp theo những chủ đề lịch sử văn hóa khác nhau.

Luật hóa vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường

Hiện nay công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước thách thức to lớn. Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư đã và đang tạo sự lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường ở từng địa phương.

Luật Bảo vệ môi trường  2014 đã đề cập đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tuy nhiên chưa tách bạch giữa quyền và trách nhiệm của các tổ chức, nội dung quyền và trách nhiệm chưa đầy đủ, chưa gắn với đặc thù, vai trò riêng của từng tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV với 5 điều, 12 Khoản đã bổ sung 2 điều, 3 khoản so với Luật hiện hành và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, dự thảo Luật bên cạnh việc quy định  vai trò cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần luật hóa và quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của các tổ chức tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, tách riêng quyền và trách nhiệm của các tổ chức và cộng đồng dân cư, đại diện cộng đồng dân cư; bổ sung một chủ thể mới là các tổ chức xã hội khác; đưa ra định nghĩa cộng đồng dân cư và đại diện cho cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, về cơ chế đảm bảo thực hiện, dự thảo Luật dành riêng 1 điều quy định thêm về việc đảm bảo việc thực hiện quyền và trách nhiệm của các tổ chức và cộng đồng dân cư. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thực thi này.

Như vậy, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Vậy, vì sao cần luật hóa vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường?  Để quy định đảm bảo tính khả thi cần có cơ chế gì để phát huy vai trò của người dân trong giám sát, phát hiện và tố giác các vi phạm về môi trường. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải phòng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về vấn đề này:

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải luật hóa vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Luật Bảo vệ môi trường cũng đã trải qua nhiều lần sửa đổi và đây là lần thứ 3 sửa đổi, bổ sung. Vai trò của cộng đồng dân cư luôn luôn được đánh giá là một trong những chính sách trọng tâm để bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường phải từ cơ sở, phát huy vai trò của cộng đồng theo khẩu hiệu “tư duy toàn cầu nhưng hành động phải rất cụ thể ở địa phương” cho nên vai trò của cộng đồng là kinh nghiệm của ta được quốc tế đánh giá rất là cao. Thực tế, không có cơ quan quản lý nhà nước nào đi làm bảo vệ môi trường cả chỉ có quản lý thôi còn  người dân ở khu dân cư, người lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề đều là đối tượng trực tiếp thực hiện bảo vệ môi trường. Nếu như chỉ có pháp luật, có quản lý không mà không có sự tham gia hoặc tham gia yếu của cộng đồng dân cư thì đương nhiên những chính sách về bảo vệ môi trường sẽ không đi vào cuộc sống. Vì vậy, đây là kinh nghiệm có tính chất là nguyên tắc về bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Trên thực tế, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã có quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng nhưng việc thực thi trên thực tiễn chưa đạt hiệu quả cao  là do nguyên nhân gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Tôi cho rằng mỗi một lần sửa đổi, bổ sung thì luật cũng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian qua chưa đi vào hiệu quả thì tôi cho rằng là do: Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa tốt, có nhiều hoạt động diễn ra nhưng chưa thực sự tạo ra chuyển biến trong cộng đồng.  Thứ hai, Hiến pháp cũng quy định người dân có quyền được sống trong môi trường trong lành và có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Như vậy, quyền và trách nhiệm luôn song song với nhau. Chúng ta nói đến quyền nhưng chúng ta thể chế hóa trách nhiệm chưa cụ thể cho nên việc làm chủ yếu mới mang tính tự giác. Cho nên, tự giác phải song song với yêu cầu bắt buộc, người gây ra ô nhiễm phải có trách nhiệm xử lý, bồi thường và phục hồi môi trường trong lành. Thứ ba, điều kiện về cơ sở vật chất chưa đảm bảo việc thực hiện, đơn cử như việc chúng ta kêu gọi phân loại rác nhưng có khi phân loại rồi nhưng đôi khi thu gom lại trộn lẫn. Thứ tư, chúng ta chưa xây dụng được 1 ngành công nghiệp môi trường, không chế tạo được thiết bị mang tính bền vững. Thứ năm, chế tài xử phạt đã có nhưng triển khai trên thực tế khó khăn.  

Phóng viên: Tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này đã bổ sung nhiều quy định, chính sách mới về quyền và trách nhiệm của các tổ chức này. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về nội dung sửa đổi lần này?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng:  Tôi cho rằng những biện pháp nêu lên cơ bản là đã bao quát được từ quản lý nhà nước cho đến các địa phương; các bộ ngành, các tổ chức và cộng đồng dân cư;... thì tương đối đầy đủ. Nhưng thực tế quan trọng nhất của một đạo luật là tính khả thi và tổ chức thực hiện. Trong lịch sử xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật đã có nhiều đạo luật rất là sáng, trí tuệ và về mặt kỹ thuật lập pháp cũng hoàn hảo nhưng trên thực tế đi vào cuộc sống lại chưa thực chất. Vì vậy,  đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là trước tiên và vai trò của các cơ quan liên quan, người dân cũng cần nhận thức về trách nhiệm cộng đồng của mình về vấn đề bảo vệ môi trường đặc biệt trong bối cảnh nhiều dịch bệnh mới phát sinh.

Phóng viên: Để quy định đảm bảo tính khả thi cần có cơ chế gì để phát huy vai trò của người dân trong giám sát, phát hiện và tố giác các vi phạm về môi trường thưa đại biểu?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Để quy định đảm bảo tính khả thi cần có cơ chế để phát huy vai trò của người dân trong giám sát, phát hiện và tố giác các vi phạm về môi trường. Nhà nước cần quan tâm đến việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường, công khai việc xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, cũng biểu dương những gương người tốt việc tốt trong công tác này. Đây sẽ là động lực cho người dân tin tưởng và quyết tâm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho cho người dân thực hiện được trách nhiệm của mình. Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức của người dân. Thực tế đã chứng minh, có nhiều sự nghiệp khó khăn nhưng khi người dân đồng lòng thực hiện cùng Chính phủ thì tất sẽ thành công. Cuối cùng cần xấy dựng được văn hóa bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường như bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Từ thực tiễn thi hành luật và để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết. Riêng nội dung về quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đã có sự bổ sung nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức này trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Nghiêm Vũ Khải các quy định này cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm đảm bảo tính khả thi và cần có cơ chế thiết thực đảm bảo thực hiện để người dân, cộng đồng dân cư tham gia hiệu quả vào giám sát, phát hiện và tố giác các vi phạm về môi trường./.

Lê Anh

Các bài viết khác