ĐBQH TRẦN TẤT THẾ GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

12/08/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Trần Tất Thế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề nghị bỏ biện pháp ngừng cung cấp điện, nước là một biện pháp cưỡng chế hoặc biện pháp ngăn chặn.

 

Đại biểu Trần Tất Thế, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam góp ý hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Tất Thế bày tỏ sự ủng hộ với phần lớn nội dung của dự thảo luật và cho rằng dự thảo luật đã cơ bản khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới. Theo đó, dự thảo luật đã đưa một số nội dung mới vào quy định trong dự thảo để đảm bảo thực hiện nguyên tắc mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định.

Tuy nhiên, một số nội dung mới lần đầu được đưa vào dự thảo luật sửa đổi, chưa có đánh giá tác động, chưa làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo với một số luật chuyên ngành khác mà báo cáo thẩm tra đã chỉ ra như biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người cai nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, độ tuổi chịu trách nhiệm hành chính, một số biện pháp cưỡng chế, biện pháp ngăn chặn để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Lao động, v.v.. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động các vấn đề nêu trên, tiến hành rà soát những điểm còn mâu thuẫn, chồng chéo ở các luật chuyên ngành để dự thảo luật được thông qua và có thể triển khai thực hiện ngay.

Về vấn đề quy định một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định sửa đổi tại điểm d khoản 2 Điều 86, dự thảo quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức ngừng cung cấp điện, nước tại điểm vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong xây dựng công trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mục đích buộc tổ chức, cá nhân vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt. Theo đại biểu Trần Tất Thế, bổ sung biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước hay biện pháp ngăn chặn để đảm bảo xử lý vi phạm hành chính đều chưa thuyết phục, tính khả thi không cao, trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm trong Bộ luật Dân sự bởi những lý do sau:

Thứ nhất, dịch vụ cung cấp điện, nước là sự thỏa thuận giữa các bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng. Việc ngừng hoặc chấm dứt cung cấp điện, nước phải theo hợp đồng được ký kết giữa các bên tham gia như một bên đơn phương chấm dứt do vi phạm từ phía bên kia, sự thỏa thuận giữa 2 bên hoặc tình thế bất khả kháng được quy định cụ thể trong hợp đồng cung cấp điện, nước, do đó chúng ta không nên hành chính hóa quan hệ dân sự này. Mặt khác, điện, nước không phải là tang vật, phương tiện được sử dụng cho hành vi vi phạm hành chính cho nên không thể là công cụ, phương tiện cưỡng chế. Điện, nước là những dịch vụ thiết yếu phục vụ cho hoạt động xây dựng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nếu thiếu các dịch vụ này thì các hoạt động xây dựng, sản xuất kinh doanh phải dừng hoạt động và như vậy sẽ là một biện pháp buộc tổ chức, cá nhân vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt. Đại biểu cho rằng, lập luận như vậy trong hồ sơ dự án luật là không mang tính thuyết phục, thiếu nước thì có thể mua, thiếu điện thì có thể dùng máy phát.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Tất Thế cũng băn khoăn về việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước trong dự thảo luật thì tại sao không bổ sung hình thức ngừng cung cấp các dịch vụ viễn thông. Theo đại biểu, trong thời đại 4.0, các dịch vụ viễn thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các dịch vụ khác, thiếu dịch vụ viễn thông có thể làm tê liệt hệ thống. Như vậy, việc ngừng hoạt động dịch vụ viễn thông ở khía cạnh nào đó còn mang tính quan trọng và các biện pháp này mạnh hơn cả biện pháp ngừng cung cấp điện, nước. Ngoài ra, việc ngừng cung cấp điện, nước còn ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của các chủ thể khác, trong khi đó các tổ chức, cá nhân này không phải là những người vi phạm hành chính nhưng phải chịu chung trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thứ hai, theo đại biểu Trần Tất Thế, một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức ngừng cung cấp điện, nước là một biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính, như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật là không đúng với nội hàm khái niệm của biện pháp ngăn chặn vi phạm. Biện pháp ngăn chặn là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức, tập thể có vi phạm hoặc không có vi phạm hành chính, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hành chính có thể xảy ra. Mặt khác, khái niệm “biện pháp ngăn chặn” không được giải thích từ ngữ tại Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng tại Điều 109 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nêu rõ “biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế về mặt tố tụng áp dụng có đủ căn cứ đối với các bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có những hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Như vậy, nội hàm của biện pháp ngăn chặn là nhằm ngăn chặn các vi phạm có thể xảy ra, biện pháp này áp dụng đối với cả vi phạm hành chính và vi phạm hình sự; do đó, biện pháp ngừng cung cấp điện, nước, không phải là công cụ, phương tiện vi phạm hành chính nên không thể là biện pháp ngăn chặn hành chính. 

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Tất Thế đề nghị bỏ biện pháp ngừng cung cấp điện, nước là một biện pháp cưỡng chế hoặc biện pháp ngăn chặn. /.

Minh Thành