GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: THÚC ĐẨY THỊ TRƯỞNG BÁN LẺ ĐIỆN CẠNH TRANH LÀ CẦN THIẾT

19/08/2020

Dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công thương công bố đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận. Trước đa số ý kiến phản đối của người dân, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội cho rằng, đê giải quyết tận gốc vấn đề cần thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, Bộ Công Thương đang đề xuất 2 phương án tính giá điện. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều gây bức xúc trong người dân. Vậy quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Bộ Công Thương đang lấy ý kiến 2 phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện.

Phương án 1 là vẫn tính theo bậc thang nhưng giảm một bậc so với biểu giá 6 bậc hiện hành.

Phương án 2 gồm 5 bậc thang và một giá điện, nhưng chia theo 2 kịch bản 2A và 2B, trong đó phương án một giá điện được tính bằng145-155% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 2.703 - 2.890 đồng một kWh.

Đề xuất này của Bộ Công thương ngay lập tức nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận, đặc biệt là phương án “điện một giá”. Tôi cho rằng, phương án một giá điện có lợi cho người dùng nhiều điện. Tuy nhiên, điều này trái ngược với quan điểm khuyết khích tiết kiệm điện của Chính phủ. Phương án một giá điện chỉ áp dụng trong điều kiện chúng ta dư thừa điện, nhưng thời điểm hiện tại chúng ta đang thiếu điện. Với phương án 5 bậc giá, Bộ Công thương đề xuất rút từ 6 bậc xuống 5 bậc nhưng giá điện tại từng bậc lại tăng cao hơn. Vì vậy, người dùng sẽ phải trả cao hơn so với cách tính hiện tại trên cùng 1 số lượng điện tiêu thụ.

Như vậy, cả hai phương án dường như đều chứa đựng những điều bất hợp lý. Thiết nghĩ, điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng tới tất cả người dân, cơ quan quản lý cần đánh giá, cân nhắc một cách kỹ lưỡng đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid 19 vẫn hoành hành.

Phóng viên: Vậy để lành mạnh hóa trong lĩnh vực điện, cần đẩy nhanh thực hiện giải pháp trọng tâm gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Cùng với việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt thì việc quan trọng lúc này là thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Chính phủ cần đẩy nhanh lộ trình hình thành thị trường cạnh tranh toàn diện trong ngành điện.

Ngành điện cần tăng tính thị trường đặc biệt trong khâu phân phối, bán lẻ điện. Theo đó, ngành cần phải cân nhắc tạo lập một thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia bán lẻ điện. Các doanh nghiệp có thể lấy điện cùng một nguồn nhưng cung cấp dịch vụ khác nhau. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo để đảm bảo nhu cầu sử dụng điện.

Phóng viên: Theo quyết định số 63/2013/QĐ- TTg của Thủ tướng, năm 2021 sẽ thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, năm 2023 sẽ chính thức vận hành thị trường này. Vậy, theo ý kiến của đại biểu đâu là thách thức khi thực hiện lộ trình này?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Lộ trình để các thành phần kinh tế khác tham gia vào phân phối điện cũng đã được đặt ra trong các văn bản chính thức. Cho đến nay, ngành điện Việt Nam đã hoạt động với mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ đầu năm 2019 và việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên, sự vận hành của thị trường điện cạnh tranh vẫn còn chậm. Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là giai đoạn mới, khó khăn hơn, việc tham gia thị trường không dễ. Việc dần gỡ bỏ độc quyền của ngành điện cũng không thể một sớm một chiều, mặc dù theo quy luật có thể có những khâu dần được tách ra theo cơ chế thị trường. Thực hiện cơ cấu lại ngành điện, đặc biệt tái cơ cấu EVN là vô cùng quan trọng. Đồng thời, việc thực hiện cấp độ thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh sẽ mở rộng sự tham gia đối với các đơn vị trong và ngoài EVN.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, xem xét kinh nghiệm quốc tế về chi phí và lợi ích của việc vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh cũng như thời điểm vận hành cũng rất cần thiết.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh

Các bài viết khác