ĐBQH TRẦN XUÂN HÙNG CHẤT VẤN VỀ HỆ SINH THÁI VÀ AN NINH NGUỒN NƯỚC Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

19/08/2020

Đại biểu Trần Xuân Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, chất vấn và mong muốn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ về giải pháp khắc phục những bất cập đối với hệ sinh thái và an ninh nguồn nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Tại Hội nghị, đại biểu Trần Xuân Hùng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về vấn đề hệ sinh thái, an ninh nguồn nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đại biểu Trần Xuân Hùng, biến đổi khí hậu và tác động của con người đã ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái và đời sống của nhân dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với bất cập trên, đại biểu Trần Xuân Hùng mong muốn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết quan điểm của Bộ trong việc giải quyết những bất cập trên đối với nguồn nước ở khu vực này về trung hạn, dài hạn?


Đại biểu Trần Xuân Hùng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đặt câu hỏi tại Hội nghị.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Xuân Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực rất mầu mỡ, phì nhiêu nhưng những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu như: nước biển dâng, thay đổi triều cường, thay đổi hướng gió và do tác động của tổ chức quy mô nền kinh tế, khai thác tài nguyên như cát, sỏi không đúng quy hoạch, trật tự khiến cho hệ sinh thái ở đây bị ảnh hưởng.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết 120 với mục đích tính toán lại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể thích ứng được với sự biến đổi khí hậu và yếu tố thượng nguồn trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại đời sống dân cư. Theo đó, phải xây dựng được đề án phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng mới. Bên cạnh đó là xây dựng đề án phát triển hệ thống thủy lợi thích ứng với cơ cấu sản xuất mới. Song song với đó là rà soát, xây dựng đề án để thích ứng và xử lý vấn đề sạt lở đối với bờ sông, bờ biển của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng đề án tổng thể về phát triển rừng cho 3 đối tượng: Thủy sản, trái cây, lúa gạo sao cho trong 10 năm nữa có được bộ giống theo chiều hướng hiện đại.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng mới, với trọng tâm là thay đổi sản xuất chính thức được thực hiện xong và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu như trước kia, Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào nguồn nước ngọt nhiều, chủ yếu là trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt trái cây thì nay lựa chọn nuôi trồng thủy sản được ưu tiên. Trên cơ sở đó, cân đối lại nhu cầu nguồn nước ở vùng thượng nguồn, vùng trung du và ven biển. Việc làm này không chỉ thực hiện ở 7 tỉnh ven biển mà ngay khu vực thượng nguồn như tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... Về giải pháp thiết kế công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra giải pháp tận dụng nguồn tài nguyên nước ngọt một cách phù hợp, tích cực, không ảnh hưởng đến môi trường nhằm phục vụ vào sản xuất.  

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định: Bảy công trình thiết kế được sử dụng trong thời gian vừa qua đã góp phần vào ngăn chặn hạn hán. Với giải pháp về thiết kế công trình, bờ sông, bờ biển và hệ thống rừng nước mặn cũng sẽ góp phần giải quyết bất cập về hệ sinh thái, nguồn nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

Bích Lan

Các bài viết khác