Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng nêu rõ, việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về đăng ký quản lý cư trú như hiện nay ở nước ta là lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của công dân, chưa đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế. Khi quản lý dân cư bằng giấy tờ, hồ sơ thì vừa lãng phí thời gian, giấy tờ của công dân để thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước vừa mất công thực hiện lưu trữ, bảo quản, tìm kiếm. Do đó, đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành luật với tinh thần đổi mới hình thức quản lý cư trú trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý cư trú. Đồng thời cho rằng, việc thay thế phương thức quản lý dân cư từ phương thức thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý điện tử là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu quản lý dân cư trong tình hình mới.
Tuy nhiên, dự thảo luật dự kiến có hiệu lực vào ngày mùng 1/7/2021 và quy định từ thời điểm đó sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới thì cần phải nghiên cứu, xem xét thêm. Đại biểu phân tích cần có lộ trình phù hợp vì các lý do sau.
Một là, hiện nay, số khẩu đối với người dân là một giấy tờ quan trọng, thông dụng để xác lập các giao dịch, quan hệ pháp luật cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân, như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại, thực hiện giao dịch với ngân hàng hay xác định để hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng, xác định diện hộ nghèo, cận nghèo hưởng chính sách v.v. Vì vậy, việc hướng tới không công nhận giá trị pháp lý của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ ảnh hưởng lớn đến các quy định về giấy tờ công dân trong thủ tục hành chính, tác động đến các chính sách quy định về hộ gia đình. Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật thì cần có lộ trình, giải pháp thực hiện đồng bộ, không sẽ tự gây khó cho chính Nhà nước và người dân.
Theo đại biểu Bế Minh Đức, để thực hiện được quy định trên thì cần có đủ thời gian để hoàn thành 2 việc. Thứ nhất, hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân, vì phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Nhưng thực tế sau hơn 4 năm triển khai, thực hiện theo Tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và được dự kiến đến hết tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam với gần 80 triệu công dân còn lại, gấp 4 lần thời gian, thời gian là nửa năm và nếu vẫn cứ tiến độ này thì khó khả thi. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với quy định mới. Với sự thông dụng của sổ hộ khẩu trong các giao dịch công dân như đã nói ở trên, các thủ tục liên quan đến loại số này đang được quy định trong một số văn bản luật, như Luật Bảo hiểm y tế, Luật lý lịch tư pháp, Luật Doanh nghiệp ...vv và nhiều văn bản dưới luật khác.
Do đó, để phù hợp với quy định của dự thảo luật, đại biểu cho rằng cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung không ít các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, sửa đổi toàn bộ các quy định về thủ tục hành chính mà trong thành phần thủ tục có sử dụng đến 2 loại sổ trên. Đại biểu cũng đặt vấn đề, liệu có kịp để thực hiện, hoàn thành không? Nếu như không hoàn thành được 2 công việc nêu trên thì việc quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch quan hệ pháp luật được xác lập kể từ ngày 1/7/2021. Như vậy sẽ gây ách tắc, xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần xem xét xây dựng lộ trình thực hiện. Trong đó có giai đoạn quản lý điện tử không cấp mới, sửa đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nhưng vẫn công nhận sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có giá trị sử dụng và xác lập các giao dịch quan hệ pháp luật của công dân trong một thời gian nhất định.
Về điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Bế Minh Đức nhất trí bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như hiện nay khi các biện pháp nhằm giảm áp lực tăng dân số cơ học tại các thành phố như luật hiện hành đã hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, mà chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm di dân, tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc trung ương, theo đánh giá của cơ quan soạn thảo. Đại biểu cho rằng, việc bỏ rào cản đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương của luật hiện hành sẽ đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân. Tuy nhiên, cần có quy định để đảm bảo việc đáp ứng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu của đô thị lớn. Do đó, đại biểu cũng nhất trí với dự thảo luật quy định đảm bảo điều kiện, diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại điểm b khoản 1 Điều 21 của dự thảo luật./.