ĐBQH PHẠM TRỌNG NHÂN THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

24/08/2020

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng ngày 13/6 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Trọng Nhân - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương góp ý một số nội dung liên quan đến Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận định, từ báo cáo của Chính phủ và thực trạng kinh tế thế giới hiện nay, có thể thấy đại dịch Covid-19 như một cơn sóng thần, tàn phá, làm đứt gãy chuỗi liên kết cung tiêu của các nền kinh tế, các quốc gia có độ mở thương mại lớn và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại biểu cho rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hướng đến các quốc gia trên thế giới, ở trong nước việc đầu tư manh mún, thiếu liên kết giữa các địa phương và phân tán nguồn lực trong phát triển, làm yếu đi nguồn lực nội sinh đã và đang tiếp tục diễn ra nhưng chưa được quan tâm một cách thấu đáo. Mặc dù, các vùng kinh tế trọng điểm đã được định hình gần 2 thập niên nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được chuỗi liên kết giá trị đúng nghĩa. Nói cách khác, nó vẫn chưa là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ 12 xác định, sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng, khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Thực tế, trong quá trình phát triển, sự nhất quán trong đầu tư các vùng không được gìn giữ xuyên suốt. Điển hình là việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp vào các vùng có lợi thế về nông nghiệp hay đầu tư dàn trải, thiếu khoa học các sân bay, cảng biển, khu kinh tế. Ngoài việc làm phân tán nguồn lực còn thể hiện tình trạng thiếu liên kết giữa các vùng nói chung và các địa phương nói riêng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu trước Quốc hội.

Ở một chiều hướng khác, PCI vốn rất tích cực giúp các địa phương nhìn lại kết quả điều hành, nhưng theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, PCI không nên được hiểu là “một nhiệt kế đo thân nhiệt địa phương” trong thu hút đầu tư, qua việc tạo môi trường thông thoáng hơn, trên nền tảng khung thể chế chung nhất và quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, bởi mục tiêu tối thượng vẫn là liên kết mà không phải là cạnh tranh. Một trong nhiều tồn tại lớn nhất trong liên kết vùng hiện nay được đề cập ở các hội nghị là thể chế liên kết vùng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc thể chế hóa liên kết vùng với tầm một dự án luật chưa được xem xét trong bất kỳ chương trình nghị sự nào của Quốc hội. Văn bản pháp lý cao nhất cũng chỉ dừng lại ở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. “Việc thiếu khung pháp lý cao nhất về liên kết vùng cùng với tình trạng thu hút đầu tư nước ngoài còn dàn trải, thiếu nhất quán mà Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã nêu cũng như thực trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính mà Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ 12 đã nhận định phải chăng là nguyên nhân đưa đến câu chuyện 63 nền kinh tế song trùng được nhắc đi nhắc lại tại các hội nghị liên kết vùng”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

“Tỉnh Đồng Nai sốt ruột muốn đầu tư kết nối hạ tầng với Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ngược lại thành phố thấy bình thường. Bình Dương sốt ruột muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai thấy chưa quan trọng”, là những bất cập trong đầu tư hạ tầng vùng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào tháng 5/2019 mà đoạn thắt nút cổ chai Quốc lộ 13 ngắn ngủi giữa Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình.

Trước những dự báo lạc quan về dòng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch mà Chính phủ đã thành lập tổ công tác để đón làn sóng này thì nhiều địa phương cũng bắt đầu rục rịch chủ trương xây dựng các khu công nghiệp. Tuy nhiên qua các con số thống kê mà các chuyên gia chỉ ra cho thấy quy mô đầu tư nước ngoài càng lớn thì nội lực nền kinh tế có chiều hướng yếu đi, dễ tổn thương trước khủng hoảng mà đại dịch Covid-19 đã phần nào chứng minh. Bên cạnh thực trạng chuyển giá, trốn thuế mà Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đã thẳng thắn chỉ ra tại hội thảo nâng cao về hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước diễn ra ngày 9/6 với quy mô 20% GDP, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 40% giá trị sản xuất công nghiệp, 50% kim ngạch xuất khẩu và 50% tổng kim ngạch nhập khẩu thì chúng ta nghĩ gì với 50% số doanh nghiệp FDI kê khai báo lỗ?” đại biểu Phạm Trọng Nhân nói. “Liệu sau những biệt đãi suốt thời gian qua đã tiêu hao bao nhiêu nguồn lực của đất nước. Chúng ta khó lòng vượt qua bẫy thu nhập trung bình với một tiến trình như vậy. Do đó việc ứng xử thận trọng với dòng vốn này theo Nghị quyết 50 trong thời gian tới là vô cùng cần thiết.

Ở một chiều hướng khác, dù trong thời gian đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, kinh tế trì trệ nhưng mua bán sáp nhập vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đại biểu cho rằng, khi các doanh nghiệp Việt vẫn còn loay hoay tìm cách phục hồi sau đại dịch thì đây cũng là cơ hội tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó và thâu tóm.

Bên cạnh đó các FTA thế hệ mới đã, đang và sẽ có hiệu lực tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp FDI vốn đang nắm giữ tỷ trọng chủ lực trong xuất khẩu. Từ những lý do đó, song hành cùng tổ công tác đón làn sóng đầu tư, đại biểu cho rằng cũng cần phải có một cuộc trở về với doanh nghiệp trong nước, bởi đây mới chính là động lực quan trọng của nền kinh tế. Trước những diễn biến phức tạp trên và những tồn tại đã được nhận diện, việc gia cố nội lực nền kinh tế tại thời điểm này là vô cùng bức bách. Từ Dự luật về liên kết vùng, kết nối với các địa phương và doanh nghiệp, cùng với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gắn kết các thành phần doanh nghiệp thành một hệ thống chặt chẽ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. “Làm sao để câu chuyện về kết nối chuỗi giá trị không được dừng lại quá lâu ở mức khiêm tốn của chiếc vỏ hộp 2 USD trong chiếc điện thoại cả ngàn USD thời gian qua”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Dù dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được kỳ vọng tạo ra 3 cực tăng trưởng mới cho đất nước, nhưng xét cho cùng thì hiệu ứng lan tỏa sẽ không thể so sánh bằng các vùng kinh tế trọng điểm. Do đó theo đại biểu, trong khi Quốc hội chưa xem xét đưa dự án luật này trở lại chương trình nghị sự thì dự luật về liên kết vùng là cần thiết vì ngoài tính lan tỏa, nó còn tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần kinh tế, các vùng kinh tế, tạo sức mạnh cần thiết cho nền kinh tế bằng chính nguồn lực nội sinh. Với các quy phạm bắt buộc các địa phương, các doanh nghiệp ở mọi thành phần phải đi cùng nhau để nền kinh tế đi được xa như kỳ vọng.

Các dự luật được thông qua trong nhiệm kỳ này chính là sự chuẩn bị cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng quyết sách về liên kết vùng ở tầm dự án luật rất cần được cân nhắc. Bên cạnh những nền tảng lý luận và thực tiễn đã rõ thì cùng với Luật Quy hoạch, dự luật về liên kết vùng sẽ như một nhạc trưởng điều hòa, điều phối cân bằng và cố kết các nguồn lực, kéo các địa phương ngồi lại với nhau thay cho những ghi nhớ, cam kết và những lần đến hẹn lại lên, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục sốt ruột, nôn nóng kêu gọi các địa phương phải cùng nắm tay nhau để phát triển. Đồng thời, luật về liên kết vùng sẽ là một công cụ cần thiết cho nhiệm kỳ mới, hiện thực hóa các mục tiêu trong hạn định làm nền tảng vững chắc trong cơ cấu lại nền kinh tế. Trên hết là tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, một trong những mục tiêu lớn nhất về phát triển kinh tế - xã hội bằng chính sức mạnh nội sinh. “Bởi lẽ, chúng ta không thể vay mượn quá lâu sức mạnh của người khác cho sự phát triển của chính mình”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận định.

Hồ Hương