ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM BÉ: ĐỀ NGHỊ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN SÂU HƠN KHI XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

18/09/2020

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng có nhiều quy định của luật bị chồng chéo, mâu thuẫn, đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu thực tiễn sâu hơn khi xây dựng pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019,  đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2020 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu nhận định, qua đánh giá bổ sung cho thấy Báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 8 đã đánh giá các chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội đề ra là sát với thực tế, trong đó có hai chỉ tiêu trong báo cáo này đã đạt, vượt cao hơn so với báo cáo đã trình tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Kết quả này cho thấy sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương trong những tháng cuối năm.

Đối với đánh giá thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2020, báo cáo đã chỉ ra, đây là thời gian đất nước phải đối mặt với rất nhiều thử thách lớn như thiên tai, hạn mặn, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bệnh dịch liên tiếp xảy ra, đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu trước Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, trong thời gian này, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh buộc phải ngừng hoặc hoạt động cầm chừng. Chính phủ buộc phải đưa ra các giải pháp giãn cách xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mùa đại dịch. Với sự chung tay của toàn xã hội, Chính phủ đã lãnh đạo, điều hành mạnh mẽ, quyết liệt và đã khống chế được dịch bệnh, trong khi đại dịch này đang phát tán toàn cầu. Hình ảnh nhiều lãnh đạo nhà nước trực tiếp chỉ đạo, điều hành chống dịch đã để lại những ấn tượng sâu sắc và sự mến phục trong nhân dân. Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp sau ảnh hưởng của đại dịch để thúc đẩy kinh tế Việt Nam trở lại đà phát triển.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã khiến nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo, điều hành đất nước của nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu nhận định, báo cáo còn ít nội dung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành của bộ máy nhà nước, nhất là trong những tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri, có đến 3.385 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến tại kỳ họp này. “Đây là con số không nhỏ, chứng tỏ có nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân cần phải xem xét giải quyết”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhận định.

Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã chỉ ra, trong xã hội, hiện tượng dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng phát triển mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tốc độ tăng năng suất của các nhân tố đóng góp vào tăng trưởng của nước ta ở mức độ thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Các giải pháp bảo vệ môi trường chưa hiệu quả. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đặc biệt, việc triển khai Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng không đạt tiến độ đặt ra làm ảnh hưởng đến quy hoạch ở các địa phương. Việc giải ngân đầu tư công còn chậm, v.v.. Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn và có giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế mà báo cáo thẩm tra đã nêu ra.

Vấn đề thứ hai mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề cập tới là những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, những kiến nghị đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm thực hiện triển khai đúng tiến độ các dự án trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long theo kế hoạch Chính phủ đã phê duyệt. Đề nghị sớm hoàn thành các mục tiêu của Quyết định số 120 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức để ban hành nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ để điều hành đất nước, để người dân sống theo pháp luật và có pháp luật để bảo vệ. Tuy nhiên theo đại biểu, pháp luật có nhiều nhưng áp dụng vào cuộc sống thì không ít những bất cập, như có luật đó nhưng chưa có hướng dẫn thi hành luật, có luật đó nhưng không áp dụng và khó thi hành. Từ đó làm cho hiệu quả, hiệu lực của luật bị hạn chế. Điển hình như nhóm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, v.v. có nhiều quy định giao cho cơ sở kiểm tra, xử lý những vi phạm nhưng điều kiện tổ chức thực hiện thì không có. “Ví dụ, muốn xác định được hàng đó hàng giả hay như thế nào thì ta phải lấy mẫu đi xét nghiệm, gửi đến Viện Pasteur, đợi kết quả về thì hàng hóa này cũng không còn. Bởi vì, chúng ta không thể giữ lại hàng hóa đó, khi chưa xác định đó là vi phạm”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói.

Bên cạnh đó, có nhiều quy định của luật theo đại biểu đã bị chồng chéo, mâu thuẫn, có những vấn đề thiếu pháp luật điều chỉnh nhưng chậm chưa đưa ra sửa chữa, chẳng hạn như Luật Đất đai. Còn các văn bản ban hành dưới luật thì có nhiều nội dung đại biểu cho là không bình thường. Nhắc đến một số quy định như cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi tham gia dự thi, người ngực lép thì không được tham gia điều khiển giao thông, xử phạt 200.000 đồng đối với hành vi dâm ô, quy định bật đèn xe máy cả ngày của ngành giao thông… đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu thực tiễn sâu hơn khi xây dựng pháp luật. “Các ý tưởng, sáng kiến xây dựng pháp luật cần sát với đời sống xã hội hơn, hạn chế các quy định khập khiễng. Các cơ quan trình dự án luật cần quan tâm vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội liên quan để sửa đổi, ban hành kịp thời”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói.

Hồ Hương