ĐBQH TÔN NGỌC HẠNH: CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GẮN VỚI LIÊN KẾT VÙNG

18/09/2020

Thảo luận tại tổ số 03 về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định về vấn đề liên kết vùng trong bảo vệ môi trường, thể hiện rõ tính chất cộng hưởng trách nhiệm trong liên kết vùng phát triển kinh tế và liên kết vùng trong bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ số 03 (gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh  tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Tp. Hải Phòng), bày tỏ quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải của các hộ gia đình ở nông thôn, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, trong điều Luật cũng quy định những điều khoản gắn với trách nhiệm của các hộ gia đình.

Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu chỉ rõ tại Điều 79 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, quy định mẫu bao bì của Ủy ban tỉnh và do Ủy ban tỉnh ủy nhiệm, giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có lộ trình quy định, tức là sau này phân loại rác sẽ có bao bì để đựng các loại rác đó, rác thải rắn, rác sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế. Hay có quy định nếu người dân không đựng đúng bao bì thì sẽ từ chối không thu gom, vận chuyển các chất thải rắn cũng như chất thải sinh hoạt mà các hộ gia đình mà không phân loại đúng. Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đây là quy định tốt nhưng điều quan trọng là kiểm tra, giám sát để tổ chức thực hiện và tính khả thi. Bởi nếu người dân không chấp hành thì chế tài như thế nào.

Đại biểu cho rằng trong giai đoạn đầu có thể vận động, tuyên truyền để chấp hành nhưng về lâu dài thì không thể nào chỉ tuyên truyền, vận động mà phải có cách để cho tất cả nhân dân cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, phải có trách nhiệm chung với công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, có vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khi tham gia vào vận động các hộ gia đình. Dự thảo Luật có quy định quy định quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng trong bảo vệ môi trường song vẫn chủ yếu là ở góc độ vận động, giám sát nhân dân tham gia. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp đã có cơ chế xử lý rất rõ nhưng đối với các cá nhân, các hộ gia đình nếu không chấp hành thì bước đầu là vận động nhưng về lâu dài thì phải có cơ chế.

Đại biểu dẫn chứng quy định nếu không đúng bao bì thì chúng ta sẽ không thu gom, từ chối thu gom,và nếu từ chối thu gom thì các hộ gia đình người ta phải vứt đi chỗ khác hoặc thậm chí phải tự chôn lấp. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh bày tỏ băn khoăn với quy định này và đề xuất với Ban Soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn và quy định chặt chẽ hơn để phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia vận động cũng như tuyên truyền trong công tác bảo vệ môi trường. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý vấn đề quản lý môi trường.

Đại biểu dẫn thực tế tại Đồng Xoài hiện nay có trung tâm điều hành, giám sát thông minh, có hệ thống camera, bước đầu đi vào hoạt động giám sát một số lĩnh vực trên địa bàn như xả rác bừa bãi, một số vi phạm. Khi người dân phản ánh lên hệ thống đó sẽ có đội phản ứng nhanh để xử lý ngay. Đại biểu đề xuất có thể xem xét có những cách thức tương tự trong bảo vệ môi trường thì mới có thể tốt hơn được.

Vấn đề thứ hai đại biểu cũng đề xuất Ban Soạn thảo khi quan tâm đến vấn đề liên kết vùng trong phát triển kinh tế thì nên quan tâm đến vấn đề liên kết vùng trong bảo vệ môi trường. Đại biểu nêu rõ, vấn đề bảo vệ môi trường trong liên kết vùng có những bất cập như xử lý chất thải rắn trong liên kết vùng. Theo quy hoạch, những vùng lân cận có nhà máy rác thải như ở Bình Phước với Bình Dương, ở Bình Dương có một nhà máy xử lý rác thải, chất thải rắn nhưng rác thải rắn của Bình Phước không thể chuyển qua Bình Dương để xử lý được, mặc dù rất gần nhưng quy định lại không cho chuyển qua; trong khi Bình Phước chưa có tiền để đầu tư các nhà máy rác công nghệ hiện đại để xử lý ngay. Trước những bất cập trong liên kết vùng trong xử lý chất thải rắn, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị Ban Soạn thảo quan tâm đến vấn đề này để thể hiện rõ trong điều Luật, tạo điều kiện cho thời gian tới làm tốt hơn và có tính chất cộng hưởng trách nhiệm trong liên kết vùng phát triển kinh tế và liên kết vùng trong bảo vệ môi trường.

Đại biểu cũng dẫn chứng thêm trong vấn đề bảo vệ nguồn nước, các dòng sông đầu nguồn, bảo vệ dòng nước các dòng sông đầu nguồn. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nêu rõ, tỉnh Bình Phước là đầu nguồn của sông Bé, sông Đồng Nai nếu ô nhiễm ở đây sẽ di chuyển xuống các tỉnh khác, Bình Dương, Đồng Nai và cả Thành phố Hồ Chí Minh, thì sẽ phải có trách nhiệm chung trong công tác bảo vệ môi trường ở vùng. Ở đây nếu không có quy định sẽ rất khó bảo đảm.

Cùng với đó là ô nhiễm không khí.  Ô nhiễm không khí không dừng lại ở phạm vi như Thành phố Hồ Chí Minh, quanh Thành phố Hồ Chí Minh mà ô nhiễm không khí thì sẽ lan qua các vùng lân cận, các tỉnh lân cận cũng sẽ bị ô nhiễm.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nên có nghiên cứu để quy định rõ hơn trong điều Luật này, để có cộng đồng trách nhiệm chung cho các tỉnh thành trong khu vực trong việc phát triển kinh tế gắn liền với liên kết vùng trong bảo vệ môi trường./.

Bảo Yến