ĐBQH PHẠM NHƯ HIỆP NÊU Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

26/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đại biểu Phạm Như Hiệp - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đưa ra nêu ý kiến về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Sau khi nghiên cứu Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), để góp phần hoàn thiện dự thảo luật trước khi Quốc hội thông qua, đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên- Huế tham gia một số nội dung:

Về nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc công khai trong việc thực thi chính sách pháp luật về môi trường. Việc công khai, minh bạch cần được thực hiện trong các chính sách và sử dụng các nguồn kinh phí như Quỹ bảo vệ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, qua đó tạo lòng tin đối với người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước về việc bảo vệ môi trường. Quy định có thể bổ sung thêm như sau: "cần công khai, minh bạch trong thực thi chính sách, pháp luật và các hoạt động bảo vệ môi trường". Đặc biệt ở trong Điều 4, mục 4 và mục 6 cũng nên gộp lại để tránh trùng lặp. Hoặc gộp lại thì nên viết: "Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, ưu tiên dự báo phòng ngừa ô nhiễm sự cố suy thoái môi trường; khai thác tối đa dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh và tăng cường sử dụng tái chế chất thải".


 Đại biểu Phạm Như Hiệp - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Về trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí quy định tại Điều 14. Tại khoản 3, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cụm từ "chất lượng môi trường không khí và gây tác động xấu đến sức khỏe của cộng đồng", để đảm bảo tính chặt chẽ của luật. Vì tùy theo mức độ ô nhiễm để cơ quan chức năng có cảnh báo phù hợp với cộng đồng, tránh trường hợp gây hoang mang và tâm lý bất an cho người dân. Đề nghị xin viết như sau: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương, đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin chất lượng môi trường, không khí, cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường, không khí bị ô nhiễm, gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. Tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý".

Về đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường tại Chương IV và về tham vấn cộng đồng và cơ quan liên quan đến quy định tại Điều 33b. Đại biểu Phạm Như Hiệp thống nhất với các quy định trong dự thảo luật về việc tham vấn cộng đồng và các cơ quan liên quan. Quy định dự thảo đảm bảo việc tham vấn được thực hiện đúng người, đúng đối tượng và đảm bảo trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, đề nghị tại điểm a khoản 3 cần điều chỉnh thêm để đảm bảo tính khách quan của hoạt động tham vấn cộng đồng, như sau: "Chủ dự án chịu trách nhiệm thực hiện pháp luật cộng đồng và cơ quan liên quan trong quá trình đánh giá tác động môi trường", tức là của dự án theo quy định luật này. Hoạt động tham vấn cộng đồng được thực hiện thông qua các đơn vị có năng lực độc lập được chủ dự án thuê hoặc hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Về thẩm quyền và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy định tại Điều 36b, đại biểu Phạm Như Hiệp thống nhất với phương án 2. Đó là đề nghị giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì thẩm định, phối hợp với Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Việc quy định như phương án này đảm bảo sự phân cấp, phân quyền, đồng thời tạo chủ động, linh hoạt cho các địa phương.

Về giấy phép môi trường, tại Mục 4b Chương IV, qua nghiên cứu dự thảo và các tài liệu liên quan, đại biểu Phạm Như Hiệp thống nhất với quan điểm của đại biểu Hoa Mai ở Đồng Tháp, đó là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải. Như vậy, các giấy phép còn lại có lẽ không cần, ở đây có 6 loại giấy phép, đồng thời quy định trong nội dung giấy phép môi trường đối với nước có xả thải qua công trình thủy lợi phải có các yêu cầu đảm bảo an toàn của công trình thủy lợi. Phương án này là phù hợp, vì hiện nay thủ tục hành chính cũng gây tốn kém và mất thời gian cho doanh nghiệp, còn nếu làm cho hết 6 giấy phép này cũng rất mất thời gian. Do đó, phương án tích hợp các loại giấy phép môi trường vào chung một sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp rút gọn các thủ tục hành chính, đồng thời giảm bớt thời gian, chi phí để đảm bảo công tác sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là việc xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi theo phương án được Chính phủ trình sẽ không bỏ quy định này mà tích hợp nội dung xả nước thải vào các công trình thủy lợi vào trong giấy phép môi trường. Vì vậy, thực chất đây việc rút gọn các thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, nhất là đối với các đơn vị có nhu cầu xả nước thải vào các công trình thủy lợi./.

Bích Lan