ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN BÀY TỎ QUAN ĐIỂM VÀO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

25/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ quan điểm vào dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đề cập sự cần thiết ban hành nghị quyết, tại Kỳ họp, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, bởi phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Mặt khác, hiện nay Việt Nam đã và đang cử lực lượng tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nên việc Quốc hội ban hành nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là cần thiết.


Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.

Về tên gọi và bố cục của nghị quyết, đồng tình với tên gọi là Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và bố cục của nghị quyết gồm 6 chương, 17 điều như dự thảo nghị quyết là chặt chẽ và hợp lý. Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, đại biểu Trần Văn Tiến nhất trí với nội dung tại Điều 1. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung nội dung về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và trách nhiệm quản lý nhà nước của lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Về đối tượng áp dụng tại Điều 2, đề nghị tại khoản 2 Điều 3 bổ sung thêm thuật ngữ "cử" vào đoạn câu, cụ thể "cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cử tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc", để đảm bảo tính chặt chẽ. Về nguyên tắc tại Điều 4, đồng ý với nguyên tắc tại Điều 4 và đề nghị bổ sung thêm một nguyên tắc là "phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh của tổ chức, cá nhân được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc".

Về xây dựng lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Chương II. Tại khoản 2 Điều 7 bổ sung cụm từ "căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh" vào trước quy định tại khoản 2, cụ thể "căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định tổ chức, biên chế và tiêu chuẩn lực lượng thuộc thẩm quyền tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ". Để đảm bảo địa vị pháp lý của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đề nghị bổ sung các quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Về quản lý nhà nước tại Chương V, nhất trí nội dung quy định tại Điều 15, Điều 16 dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị cần xem xét, bổ sung:

Một là, quy định đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Hai là, quy định về quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đề nghị bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế; quy định về khen thưởng lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc có thành tích trong công tác thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo chế độ của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân và quy định của pháp luật khác; quy định về xử lý vi phạm lực lượng tham gia lực lượng hòa bình quốc tế vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật tùy theo mức độ, tính chất mà xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.

Bích Lan