GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: SỚM BAN HÀNH VĂN BẢN HƯỚNG DẪN XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

25/12/2020

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thể hiện bước tiến quan trọng trong chính sách hình sự của Nhà nước. Trong đó, một trong những điểm mới có tính đột phá là việc bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Trước đây, chủ thể của trách nhiệm hình sự chỉ là cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay, theo pháp luật hình sự của Việt Nam, chủ thể của trách nhiệm hình sự không chỉ dừng lại ở việc quy định đối với cá nhân mà còn quy định đối với cả pháp nhân. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Chương XI Bộ luật Hình sự năm 2015, theo quy định khác của Phần thứ nhất Bộ luật Hình sự năm 2015 không trái với quy định của Chương XI Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015 xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách trong thực tiễn. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành, cho đến nay vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào bị đưa ra xét xử tại tòa án. Vậy, đâu là khó khăn trong thực hiện quy định này, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội về nội dung này:

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Phóng viên: Lần đầu pháp luật hình sự nước ta quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Vậy, đại biểu có bình luận gì về quy định này?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Một trong những điểm mới đột phá của Bộ luật Hình sự năm 2015 là đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Điều này cho thấy, quan điểm hoàn toàn mới của các nhà lập pháp về chủ thể của tội phạm. Quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc tập trung xử lý những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân gây ra trên thực tiễn.

Phóng viên: Kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành, cho đến nay vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào bị đưa ra xét xử tại tòa án. Đâu là khó khăn, vướng mắc dẫn đến khó xử lý hình sự pháp nhân thương mại, thưa đại biểu?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Trong thời gian qua chúng ta chưa tiến hành xử lý hình sự đối với pháp nhân, cũng đã có 1 số phản ánh của các cơ quan liên quan đến hoạt động tố tụng, đề nghị phải ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại. Một trong những khó khăn hiện nay là: việc xác định chứng cứ phạm tội để chứng minh pháp nhân thương mại đó phạm tội tương đối phức tạp; việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại theo pháp luật hiện hành vẫn còn gặp phải vướng mắc dẫn đến khó xử lý hình sự pháp nhân thương mại trên thực tế; ... Bên cạnh đó, đây là quy định hoàn toàn mới, kinh nghiệm các nước cũng rất hạn chế về vấn đề này. Do đó, không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Phóng viên: Vậy, đại biểu có đề xuất kiến nghị  gì để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Để tăng cường tính khả thi của quy định trong thực tiễn áp dụng, cần phải có sự rà soát, đánh giá kĩ lưỡng và kịp thời khắc phục hạn chế hiện nay. Đồng thời, sớm có văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 về quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội. Việc ghi nhận trách nhận hình sự của pháp nhân là một bước tiến, dấu mốc quan trọng. Tuy nhiên, cần thời gian tiếp tục hoàn thiện và có hướng dẫn chi tiết để quá trình áp dụng đảm bảo tính khả thi và hiệu quả xử lý trên thực tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh