ĐBQH TÔ VĂN TÁM ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

29/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Tại Kỳ họp, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum khẳng định: Tham gia giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc là hiện thực hóa đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của nước ta trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn đinh của khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ hòa bình, bền vững cho đất nước.

Bốn năm qua, kể từ khi nước ta cử những sĩ quan đầu tiên đến làm việc tại Phái bộ Giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc, đến nay chúng ta đã cử 176 lượt cán bộ, sĩ quan giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về hiệu quả hoạt động của các sĩ quan. Theo Hiến pháp năm 2013, tại khoản 2 Điều 9 Hội đồng Quốc phòng và An ninh được phép đưa lực lượng vũ trang tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Từ những cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn nêu trên, đại biểu Tô Văn Tám thấy về tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này là đúng đắn và cần thiết. Đại biểu Tô Văn Tám tán thành nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 10 này theo quy trình một kỳ họp như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.


Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum.

Về đối tượng áp dụng, tại Điều 2 dự thảo đã xác định đối tượng áp dụng nghị quyết là sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Bộ Quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan kiêm nhiệm, sĩ quan nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ thuộc Bộ Công an. Việc này, đại biểu Tô Văn Tám cũng tán thành nhưng có một điều cần lưu ý. Đó là theo Liên Hợp Quốc xác định thì lực lượng giữ gìn hòa bình bao gồm những người lính và những cảnh sát dân sự và các dân thường khác. Trong tổ chức bộ máy của phái bộ Liên Hợp Quốc có bộ phận cảnh sát dân sự, trong khi công an, cảnh sát của chúng ta thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Vậy, không biết có gì khác với quan niệm cảnh sát dân sự Liên Hợp Quốc không nên đề nghị Ban soạn thảo lưu ý làm rõ thêm để đảm bảo sự đồng bộ quy định những vấn đề của Liên Hợp Quốc.

Tại khoản 2 Điều 9 có quy định cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc được giao sử dụng trang bị, phương tiện và vũ khí vật chất cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, tại Điều 2 khoản 5 khi quy định về hình thức tham gia chỉ có đơn vị, cá nhân thôi chứ không có cơ quan, nhưng ở khoản 2 Điều 9 lại nói cơ quan, đơn vị và cá nhân. Thực ra cơ quan không tham gia mà hình thức tham gia ở khoản 2 Điều 5 chỉ có đơn vị và cá nhân. Cho nên đề nghị xem xét lại quy định này ở khoản 2 Điều 9, phải chăng ở đây chỉ là đơn vị, cá nhân như thế nó phù hợp với khoản 2 Điều 5.

Tại Chương III về thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng có 3 điều, từ Điều 10, 11, 12, trong đó Điều 10 xác định thẩm quyền quyết định việc triển khai lực lượng. Điều 11 và Điều 12 là quy định về quy trình để quyết định việc triển khai lực lượng. Như vậy, theo các điều này có thể hiểu chúng ta có 3 việc khi triển khai lực lượng: Một là cử mới; Hai là điều chỉnh rút lực lượng; Ba là cử luân phiên thay thế. Nhưng tôi thấy tên gọi của Điều 10 là điều xác định thẩm quyền quyết định, mà thẩm quyền quyết định đều thuộc Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Tên gọi Điều 10 là thẩm quyền quyết định việc cử, điều chỉnh rút lực lượng, nếu như vậy tên gọi này còn thiếu việc cử mới và cử ứng viên thay thế. Do vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị xem lại tên gọi Điều 10 và tên gọi Điều 10 là thẩm quyền quyết định việc cử mới, điều chỉnh rút lực lượng, cử ứng viên thay thế. Như vậy, để bao quát hết việc triển khai lực lượng của chúng ta./.

Bích Lan