ĐBQH NGUYỄN DUY HỮU: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ ĐẦU TƯ CÁC TUYẾN CAO TỐC NỐI CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN VỚI CÁC TỈNH DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG

11/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Duy Hữu đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng có nhiều những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về cổ phần hóa doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy về cơ bản đã đúng với định hướng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 46 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này, trong đó tỉnh đang trực tiếp quản lý 25 doanh nghiệp, các tổng công ty nhà nước quản lý 21 doanh nghiệp, bao gồm 2 doanh nghiệp cao su, 19 doanh nghiệp cà phê. Qua thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp trên đã bộc lộ một số vấn đề còn hạn chế, gây bức xúc trong người dân. Đó là việc chưa tạo ra được một mô hình sản xuấtt, kinh doanh mới trong lĩnh vực này mà chỉ thay đổi chủ sở hữu. Đại biểu ví von: Bình thì có mới nhưng rượu vẫn là rượu cũ, xuất hiện những khó khăn, đó là việc khiếu nại, khởi kiện giữa đội ngũ công nhân với các ông chủ mới về vấn đề giải quyết chế độ, chính sách, giao nộp sản phẩm và thu hồi vườn cây nhận khoán. Tình hình trên đã làm cho hàng ngàn hộ công nhân ở các doanh nghiệp trên đứng trước nguy cơ không có việc làm, không có đất ở, đất sản xuất, họ không biết đi đâu, về đâu, làm cho tình hình an ninh, trật tự nông thôn ngày càng bất ổn.

Những hạn chế, bất cập trên rất cần sự vào cuộc sớm của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ở Trung ương. Sự hợp tác tích cực từ phía các tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đặc biệt là sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ. Phải chăng đó là sự rà soát, kiểm tra kỹ việc cổ phần hóa đối với các đơn vị đã cổ phần để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, đồng thời bổ sung phương án, kế hoạch cổ phần những đơn vị còn lại cho phù hợp. Trong đó cần quan tâm đặc biệt đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người công nhân và gia đình họ, hiện đang sản xuất trên chính mảnh đất mà họ đã nhận khoán trước đây hàng chục năm.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Vấn đề thứ hai là đầu tư để phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hiện địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 7 quốc lộ đi qua với 763km đường và 140 cây cầu, tỉnh được giao quản lý 3 quốc lộ đó là quốc lộ 14C, quốc lộ 17, quốc lộ 29 và 11 tỉnh lộ. Nhưng trên thực tế, tất cả các đường tỉnh lộ, quốc lộ và đường nội đô hiện đã xuống cấp trầm trọng, có chỗ không lưu thông được. Ví dụ như đường 14C, trừ đường Hồ Chí Minh hiện tại còn sử dụng được. Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông thuộc các tỉnh Tây Nguyên. 4 tỉnh chưa có một mét đường cao tốc nào, mạng lưới giao thông xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, xem xét, có kế hoạch cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông của tỉnh. Vì đây là những tỉnh nghèo, không thể bố trí ngân sách của tỉnh để thực hiện việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường bộ. Chính phủ cần xem xét đầu tư sớm các tuyến cao tốc nối các tỉnh Tây Nguyên xuống các tỉnh duyên hải miền Trung như cao tốc Đắk Lắk đi Nha Trang, Đắk Nông đi Bình Phước, Gia Lai đi Bình Định, Kon Tum đi Quảng Nam. Nhằm tạo điều kiện cho hàng triệu tấn hàng hóa của Tây Nguyên được lưu thông với thị trường trong nước và quốc tế.

Vấn đề thứ ba được đại biểu đề cập đó là tiêu chí phân bổ định mức vốn đầu tư phát triển. Nghị quyết số 973/QH14 ngày 8/7/2020 của Quốc hội đã khắc phục một số khuyết điểm, bất cập của Nghị quyết 1023/QH13. Tuy nhiên, quy định chi tiết của Chính phủ về cách tính điểm phân bổ, tức là theo Quyết định số 26 ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì số điểm tuyệt đối trên tỷ lệ che phủ rừng lại rất thấp. Tỷ lệ che phủ từ 10 đến 50% là 1 điểm, trên 50% là 2 điểm, trong khi các tỉnh đồng bằng có diện tích đất trồng lúa trên 50% đều được tính điểm cộng ở tiêu chí này, xấp xỉ khoảng 20 điểm. Điều này tạo ra sự không công bằng giữa miền núi và đồng bằng trong phân bổ định mức đầu tư phát triển, đồng thời chưa tạo ra được sự ưu tiên, khuyến khích phát triển rừng trong giai đoạn hiện nay.

Trên đây là những ước nguyện của cử tri Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Duy Hữu trân trọng được kính mong Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo giải quyết sớm làm cho trời Tây Nguyên mãi xanh, câu hát mời gọi lên cao nguyên đi anh ngân vang mãi trên nóc nhà của Đông Dương./.

Lan Hương