ĐBQH LÒ THỊ LUYẾN GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

11/01/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được quy định trong dự thảo tại điểm a, điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 34.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo số 593 ngày 19/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Đại biểu cũng nhất trí với tên gọi là Luật Biên phòng Việt Nam. Qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu có một số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý.

Thứ nhất, tại Điều 8, các hành vi bị nghiêm cấm. Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” vào khoản 3 sau cụm từ “xâm phạm tính mạng, sức khỏe” vì thực tế khi thực thi nhiệm vụ, ngoài bị xâm phạm tính mạng, xâm phạm sức khỏe thì lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng cũng có thể bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Do đó, nội dung này cũng cần đưa vào quy định tại điều này. Nếu thực tế có xảy ra những hành vi đó thì có cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp xử lý vì các quy định của pháp luật hiện hành cũng đã quy định cụ thể hình thức xử lý đối với các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, khoản 3 Điều 8 đại biểu đề nghị viết lại như sau: Giả danh cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng; chống lại, cản trở, trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Thứ hai, tại Điều 10, phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “cơ quan chủ trì và cơ quan, lực lượng phối hợp” vào điểm c khoản 2. Vì ngoài trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì thì cũng cần quy định và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, lực lượng phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo đó, điểm c khoản 2 Điều 10 đề nghị viết lại như sau: Chủ động linh hoạt, bí mật, kịp thời, hiệu quả và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì và cơ quan, lực lượng phối hợp.

Thứ ba, tại Điều 34 về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được quy định trong dự thảo tại điểm a, điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 34 theo hướng giao cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo ngân sách thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương là chưa phù hợp, vì tại khoản 1 Điều 12 dự thảo luật này quy định Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì lực lượng này do Bộ Quốc phòng lập dự toán ngân sách và đảm bảo ngân sách thực hiện. Cụ thể, Luật Ngân sách nhà nước quy định tại Điều 74 hướng dẫn thi hành đối với một số nội dung đặc thù, tại khoản 1 Điều 74 quy định như sau: "Căn cứ vào quy định của luật này Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại". Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 165 năm 2016 quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Dự thảo luật quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp nên theo hướng địa phương chỉ hỗ trợ kinh phí như trong nội dung của nghị định này cho phù hợp với thực tế và khả năng cân đối của ngân sách của các địa phương, vì các địa phương ở khu vực biên giới thường là các tỉnh nghèo, nguồn thu trên địa bàn chưa đủ chi nên sẽ rất khó để quyết định ngân sách đảm bảo thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương.

Cụ thể, tại Điều 5 của Nghị định quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước của các đơn vị trực thuộc. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện lập, chấp hành và quyết toán đến đơn vị dự toán cấp 2 quy định tại Điều 6 nghị định này. Tại Điều 6 của Nghị định quy định Bộ Quốc phòng là đơn vị dự toán cấp 1. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng là đơn vị dự toán cấp 2 và quan hệ trực tiếp với đơn vị dự toán cấp một. Như vậy, theo quy định của nghị định thì Bộ đội biên phòng do Bộ Quốc phòng đảm bảo về ngân sách để thực hiện nhiệm vụ.

Đối với trách nhiệm của địa phương, tại Điều 12 nghị định quy định, căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chi hỗ trợ các đơn vị quốc phòng, an ninh đóng trên địa bàn trong trường hợp cần thiết để đảm bảo ổn định tình hình kinh tế, chính trị - xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội của địa phương. Đối với nhiệm vụ đột xuất và phát sinh trong năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân để báo cáo trình Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất về mức chi hỗ trợ các đơn vị quốc phòng, an ninh. Nếu quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân như trong dự thảo tại Điều 34 là chưa phù hợp với thực tế hiện đang thực hiện và không phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Với cơ sở pháp lý và lý do nêu trên, đại biểu đề nghị sửa các quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 34 của dự thảo như sau:

Tại điểm a khoản 1 Điều 34 đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "đảm bảo thực thi", thay bằng cụm từ "hỗ trợ". Theo đó, đề nghị sửa lại như sau: "Quyết định chủ trương, biện pháp huy động các nguồn lực hỗ trợ nhiệm vụ biên phòng phù hợp với chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Tại điểm b khoản 1 Điều 34 đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "ngân sách" thay bằng cụm từ "kinh phí hỗ trợ chi" và bỏ cụm từ "và xây dựng lực lượng nòng cốt chuyên trách", bỏ cụm từ "đảm bảo nhà ở" thay bằng cụm từ "hỗ trợ đất ở". Theo đó, đại biểu đề nghị sửa lại điểm b khoản 1 Điều 34 như sau "quyết định kinh phí hỗ trợ chi thực hiện nhiệm vụ biên phòng ở địa phương, ưu tiên hỗ trợ đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng công tác lâu dài ở khu vực biên giới. Tại điểm b khoản 2 Điều 34 đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "và xây dựng lực lượng nòng cốt chuyên trách" và đề nghị sửa lại như sau "lập dự toán ngân sách, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp chi hỗ trợ thực thi nhiệm vụ biên phòng"./.

Minh Hùng