ĐẠI BIỂU TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII

25/01/2021

Thảo luận về các dự thảo Văn kiện trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng bên cạnh thành tích, văn kiện đại hội lần này cũng kiểm điểm này rất nghiêm túc từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đúng đắn và chuyển biến thành hành động chuyển biến mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng, về đánh giá thành tựu của nhiệm kỳ vừa qua thật sự có những nét mới trong việc tổ chức nền kinh tế đi vào hướng nâng giá trị gia tăng, áp dụng công nghệ. Trong đợt dịch COVID vừa rồi chúng ta không bị ảnh hưởng nhiều một trong những góp phần chính là nhờ internet, nhờ nối mạng, nối mạng toàn cầu và nối mạng trong nước. Hay như trong điều hành ASEAN, là Chủ tịch ASEAN chúng ta vẫn điều hành trực tuyến. Quốc hội cũng chuyển sang họp trực tuyến 2 tuần.

Thứ hai là vấn đề đường lối đối ngoại, bảo vệ chủ quyền cũng là một điểm rất phấn khởi vừa giữ được hòa bình mà vừa giữ được chủ quyền và an ninh, vừa giữ được biển đảo.

Thứ ba là vấn đề chống tham nhũng, nhiệm kỳ vừa qua chúng ta làm được những điều mà một thời gian dài trước chưa làm được, qua đó khôi phục được niềm tin của nhân dân là Đảng quyết tâm chống tham nhũng, không chỉ có quyết tâm mà còn làm được, hành động thực tế.

Thứ tư là vấn đề hoạt động dân cử và hoạt động của Quốc hội, 2 nhiệm kỳ vừa qua cho thấy Quốc hội đổi mới rất mạnh mẽ, phát huy vai trò của các đại biểu dân cử, phát huy dân chủ và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, không có sự kiểm soát, xét duyệt, quy chụp, phía lãnh đạo đã tạo điều kiện để Quốc hội có thể đóng được vai trò của mình là cơ quan quyền lực cao nhất, đồng thời là cơ quan dân cử, đại diện cao nhất của nhân dân, để nhân dân có thể nói lên tiếng nói và những nguyện vọng, tâm tư, những bức xúc của mình, truyền đạt thẳng đến lãnh đạo cao nhất của Nhà nước.

Cùng với đó, bên cạnh thành tích, báo cáo chính trị cũng kiểm điểm này rất nghiêm túc. Như khi nói về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại thì nói thẳng là còn chậm và chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Đổi mới giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ chưa thực sự thành động lực then chốt. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số mặt bất cập. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có mặt, có nơi chưa phát huy đầy đủ. Nhà nước pháp quyền có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế. Đại biểu cho rằng từ những kiểm điểm rất nghiêm túc này và chúng ta rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc và chuyển biến nó thành hành động trong nhiệm kỳ tới và những năm tới sẽ có những chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Từ hạn chế đó rút ra những bài học là rất đúng đắn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng trong giai đoạn tới cần quan tâm đến một số vấn đề.

Thứ nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết xuyên suốt cả lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc phòng. Đại biểu nhấn mạnh đây là một tư tưởng, một quan điểm chỉ đạo hết sức quan trọng, lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, là vĩnh viễn và lấy cái đó để làm kim chỉ nam cho tất cả những đường lối của chúng ta.

Điểm thứ hai là về vấn đề an ninh quốc phòng, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển.

Thứ ba, đại biểu cũng bày tỏ tán thành và hoan nghênh điểm mới trong dự thảo văn kiện lần này đã nhấn mạnh về dân chủ và quyền của nhân dân. Cụ thể trước đây chúng ta hay nói là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bây giờ thêm là “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Vấn đề đặt ra là khi nội dung này được đưa vào khẩu hiệu, đưa vào phương châm có nghĩa là phải thể chế hóa nó bằng pháp luật và bằng cơ chế để vế “dân giám sát và dân thụ hưởng” được cụ thể trong thể chế, định chế.

Đại biểu cho rằng thời gian tới cần thể chế nội dung liên minh công-nông và trí thức, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế thị trường.

Thứ tư, về nhà nước pháp quyền, văn kiện lần này có thể hiện nội dung bảo đảm quyền lực nhà nước thống nhất, phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Đại biểu nêu rõ cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là dân chủ trực tiếp, là dân giám sát Nhà nước và theo Điều lệ của Đảng là dân giám sát cả đảng viên. Dân chủ đại diện thì nghị quyết cũng nói rất rõ là “tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”. Để phát huy cơ chế để dân giám sát, có thể thông qua Mặt trận Tổ Quốc hay thông qua các hình thức dân chủ đại diện chính là qua Quốc hội. Để Quốc hội phát huy hơn nữa sự mạnh mẽ của mình, đại biểu cho rằng cần xem xét giảm số lượng đại biểu của cơ quan hành pháp, tư pháp khi đó sẽ bớt sức ép và sự xung đột lợi ích giữa một bên là mũ của ngành và một bên là mũ của đại biểu dân cử. Đồng thời tăng đại biểu chuyên trách lên.

Bên cạnh đó cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp; xây dựng nền tư pháp Việt Nam là chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân là hết sức đúng hướng, tất nhiên làm thì rất gian truân./.

Bảo Yến