ĐẠI BIỂU NGUYỄN VIỆT DŨNG GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII

25/01/2021

Thảo luận về các dự thảo Văn kiện trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Việt Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng để thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững và dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì phải có chiến lược để thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, đại biểu Nguyễn Việt Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh tán thành dự thảo Báo cáo chính trị đã nhấn mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững và dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đại biểu cho rằng đây là một hướng rất đúng khi hiện nay trên thế giới đã chuyển mô hình tăng trưởng dựa vào vốn, lao động, v.v.. chuyển sang mô hình dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, một khi đã xác định như vậy rồi, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế muốn cạnh tranh được thì phải dựa vào khoa học công nghệ, nói chung là dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo thì phải làm rõ nét của sự đột phá của công nghệ và đổi mới sáng tạo để sau đó xây dựng những chiến lược để phát triển.

Đại biểu Nguyễn Việt Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh

Theo đại biểu Nguyễn Việt Dũng, trong các hệ thống chỉ tiêu, một chỉ tiêu hết sức quan trọng đó chính là thị trường khoa học công nghệ, tức là chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển hàng năm của Việt Nam, của xã hội là hoàn toàn không có trong này. Do đó, đề nghị trong hệ thống chỉ tiêu của đại hội nên nghiên cứu để bổ sung. Muốn thúc đẩy công nghệ đổi mới sáng tạo nhưng nguồn lực tài chính lại không nói nên tất cả những chính sách tài chính để thúc đẩy nhưng quan trọng thể hiện được qua con số chỉ tiêu, đó chính là chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển. Nếu không có chỉ tiêu này thì không thể nào dựa vào công nghệ để đổi mới sáng tạo được.

Thứ hai, đề nghị trong dự thảo nên bổ sung là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, gắn với phát triển công nghiệp phần cứng; phải gắn với phát triển công nghiệp của phần cứng. Đại biểu phân tích, nếu làm đô thị thông minh, gắn camera để giám sát nhưng toàn đi mua thì cũng vô nghĩa. Cả một thị trường rất lớn, hàng triệu camera, hàng triệu cảm biến, thị trường này rất quan trọng nếu mình đi mua cả thì vô nghĩa. Cho nên ở đây cũng phải nên gắn với chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng nêu rõ nên có một chiến lược để thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó cần quan tâm một số nội dung. Cụ thể:

Thứ nhất là phải đổi mới tư duy và quan điểm trong đầu tư cho khoa học, công nghệ. Đại biểu cho biết, hiện nay cơ chế đầu tư cho khoa công nghệ của mình không đúng với thông lệ thế giới, mặc dù Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị nói là phải theo thông lệ tốt của thế giới, phải có đột phá hết sức là mạnh mẽ trong cơ chế cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nhưng thực chất hiện nay các quy định của các bộ, ngành hết sức là siết chặt và không đúng với thị trường. Đại biểu dẫn chứng quy định nghiên cứu khoa học phải làm dự toán từ đầu là không đúng, dự toán chỉ có thể trong sản xuất, có quy trình hết rồi thì mới làm dự toán, còn nghiên cứu khoa học không có gì toán, có biết làm như thế nào đâu mà dự toán cho nên phải thay đổi rất nhiều, chưa kể đến chuyện xử lý vấn đề về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra Nghị định 70 của Chính phủ cực kỳ phức tạp trong câu chuyện đó, cũng không theo thông lệ thế giới luôn. Do đó, đại biểu đề nghị phải đổi mới tư duy và quan điểm trong đầu tư, vì đầu tư khoa học, công nghệ chính là đầu tư cho con người, có thể không nghiên cứu ra được cái xe hơi đó, nhưng lực lượng nghiên cứu họ học rất nhiều, từ kỹ năng, từ kinh nghiệm cho nên đầu tư cho con người không có gì mất cả, có thất bại chuyện đó cũng không sao, sau người ta sẽ làm tốt hơn, phải thay đổi toàn bộ tư duy đó.

Thứ hai, nâng cao vai trò kiến tạo của Nhà nước. Đại biểu làm rõ, muốn khoa học công nghệ phát triển thì nhà nước phải kiến tạo được, nhà nước phải có những đề án hết sức lớn. Trong nghị quyết đã có về phát triển về thanh toán điện tử, thương mại điện tử v.v. vấn đề đặt ra là đề án để phát triển câu chuyện này như thế nào để liên kết được các doanh nghiệp Việt, các trí thức Việt để phát triển được hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam từ Vietelpay, VNPTpay, Momo v.v.. Nhà nước không đứng được sau lưng thì làm sao có được một ứng dụng gì đó của Việt Nam cực kỳ mạnh, thống lĩnh được thị trường Việt Nam 100 triệu dân này, từ đó để phát triển ra bên ngoài. Trước giờ toàn là Uber, sau đó đến Grap chiếm lĩnh thị trường gọi xe mà hàng chục các ứng dụng gọi xe Việt Nam không phát triển lên được, mỗi hãng tự manh mún. Hệ thống thu phí không dừng không làm được, bởi vì mình không kiến tạo để thu hút các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng một hệ thống thu phí không dừng của cả Việt Nam. Do đó đề nghị phải hết sức quan tâm câu chuyện kiến tạo.

Mặt khác, hiện nay 98% doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và vừa, năng lực của họ rất yếu vậy làm sao để chuyển giao công nghệ được cho các doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ không có nguồn lực tài chính, con người để có thể tiếp cận, hấp thụ công nghệ mới được. Cho nên, vai trò của Nhà nước ở đây phải kiến tạo để hình thành được những trung tâm chuyển giao công nghệ mạnh mà Nhà nước đứng sau lưng để hỗ trợ, để từ đó giải mã công nghệ để có thể chuyển giao được cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay chưa có những thiết chế này, những trung tâm chuyển giao công nghệ gắn với các vùng kinh tế trọng điểm là hầu như hiện nay không có. Ngay cả xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mạnh nhưng cũng rất mơ hồ.

Nhấn mạnh, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hiện nay là một động lực mạnh để cho các nước cạnh tranh nhưng các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương gắn với những vùng kinh tế trọng điểm thì hiện nay mình cũng chưa có. Đại biểu lưu ý phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia thì phải có chính sách để thúc đẩy hình thành được một mạng lưới các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương gắn với các vùng kinh tế trọng điểm./.

Bảo Yến