ĐBQH NGÔ SÁCH THỰC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

26/01/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ngô Sách Thực – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế; về tài chính, ngân sách và đầu tư công; về xã hội hóa dịch vụ công và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập…

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Ngô Sách Thực đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, kinh tế nhiều nước tăng trưởng âm, nhưng kết quả đạt được năm 2020 là rất đáng trân trọng, đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng và Nhà nước. Sự lắng nghe, cầu thị, vào cuộc của các cấp, các ngành, nhân dân tin tưởng, tích cực hưởng ứng thực hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên là cơ sở vững chắc để người dân tin tưởng sẽ vượt qua thách thức hiện nay nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.

Về cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng, cần tiếp tục thực hiện kiên quyết và thực chất việc cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, khắc phục chỉ định thầu và đấu thầu hình thức, quy định rõ và thực hiện nghiêm trách nhiệm phản hồi những dự án của các tỉnh, thành phố, xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Đại biểu Ngô Sách Thực – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo đại biểu Ngô Sách Thực, nông nghiệp vừa qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, là trụ đỡ cho nền kinh tế lúc khó khăn do dịch Covid-19, tăng trưởng ở mức cao, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu đạt khá và bảo đảm nguồn cung về lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, người nông dân cũng còn gặp nhiều khó khăn, cần sự trợ giúp. Bên cạnh những thành tựu trên, 60% số xã nông thôn mới nhưng nhiều nơi chưa thật bền vững và nhiều nơi còn nợ tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về môi trường.

Đại biểu Ngô Sách Thực đồng tình với nhiều giải pháp đã đề ra, trong đó có 2 việc cần phải quan tâm hơn và đề ra đã lâu, nhưng chưa có nội dung cụ thể: Thứ nhất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn rất thấp và rất cần có một cơ chế để khuyến khích và chia sẻ rủi ro. Thứ hai, kết nối giao thông đến các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhiều nơi còn hạn chế.

Về tài chính, ngân sách và đầu tư công, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng thời gian qua, nền tài chính quốc gia đã đạt nhiều kết quả tích cực, tiến bộ hơn giai đoạn trước cả về thể chế, chính sách, pháp luật và các mục tiêu thu chi, cơ cấu lại nợ công và thực hiện 9/12 chỉ tiêu của Chính phủ đã đạt và chính sách tài khóa tiền tệ là cơ sở quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ và tăng dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn phải thực hiện các gói hỗ trợ, giãn chậm nộp một số khoản thu ngân sách thì có gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình ấy, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng cần phải rà soát lại một số nguồn thu hiện nay như bán hàng qua mạng chiếm trên 25%, nhưng việc thu qua mạng như thế nào thì chưa rõ; biển số xe máy, xe ô tô nếu có chính sách đấu giá và quản lý tốt cũng là một nguồn thu không nhỏ; chống thất thu qua chuyển giá cũng là một chuyên đề cần chuyên sâu, chỉ đạo sâu sát.

Về chi ngân sách, đại biểu Ngô Sách Thực kiến nghị Chính phủ cần ban hành Chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn tới. Số chi thường xuyên hiện nay vẫn chiếm 63,4% và không đạt được chỉ tiêu giảm chi thường xuyên xuống còn 61%. Cần giảm một số nội dung chi và nội dung chi không cần thiết nhưng cũng không nên có giảm bình quân.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay rất cần các biện pháp kích cầu, trong đó có tăng chi cho đầu tư công, như vậy tăng chi cho đầu tư công rồi các biện pháp phòng, chống lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công, rồi đưa nhanh các công trình vào sử dụng là một giải pháp rất cơ bản”, đại biểu Ngô Sách Thực nhận định.

Theo đại biểu, việc thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn vừa qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đều vượt mục tiêu. Đại biểu đồng tình với việc đề ra 3 chương trình giai đoạn tới là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi dân tộc thiểu số. Các chương trình bước đầu đã đề ra được mục tiêu và nguồn lực, ví dụ như chương trình kinh tế - xã hội miền núi đề ra 10 chương trình và dự kiến 137.000 tỷ.

Tuy nhiên theo đại biểu Ngô Sách Thực, các nguồn lực này cần phải có sự cân đối thêm. Để các chương trình sớm đưa vào thực hiện cho hiệu quả, đại biểu đề nghị cần sớm hoàn thiện tiêu chí phân bổ, phê duyệt dự án, chỉ đạo hướng dẫn cách làm có hiệu quả và tạo sự chủ động của địa phương và nâng cao trách nhiệm của các chủ chương trình, dự án và sự tham gia tích cực của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.

Về xã hội hóa dịch vụ công và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng trong báo cáo Chính phủ nêu còn nhiều bất cập, thực tế còn lỗ hổng do cơ chế và có sự trục lợi giữa công và tư chưa có sự phân minh.

Theo tôi, cần phải có đánh giá sâu và tổng kết nội dung này, vì đây là một chủ trương, chính sách rất quan trọng đã được đề ra từ Đại hội VII của Đảng và tiếp tục được khẳng định và làm rõ qua các kỳ đại hội Đảng và Chính phủ thì cũng có rất nhiều nghị quyết và nghị định về vấn đề này”, đại biểu Ngô Sách Thực nói.

Bắt đầu từ Nghị quyết số 90 ngày 21/8/1997 theo tinh thần các văn kiện của Đảng và Nhà nước, xã hội hóa chính là việc huy động nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của người dân vào việc giải quyết các vấn đề thuộc chính sách xã hội của nhà nước nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ công.

Cơ bản bảo đảm cho người dân làm tốt việc này là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, đại biểu Ngô Sách Thực nhận định, đồng thời đề xuất đẩy mạnh xã hội hóa, vận dụng hợp lý các mặt tích cực của cơ chế thị trường. Cùng với đó nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể thao, đặc biệt là giúp người nghèo, người yếu thế và thực hiện các mục tiêu vì con người.

Đẩy mạnh xã hội hóa là để nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân trên cơ sở các chuẩn hóa, và như vậy cần có sự hoàn thiện các tiêu chuẩn, trong đó có sự kiểm định, kiểm tra và giám sát tốt hơn để chất lượng dịch vụ công ngày càng cao và có hiệu quả hơn nội dung này”, đại biểu Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Hồ Hương