ĐBQH MAI THỊ ÁNH TUYẾT: CẦN CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THÁO GỠ KHÓ KHĂN

28/01/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã đề xuất một số nội dung nhằm góp phần hoàn thiện các giải pháp mang tính khả thi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch bệnh. Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, như tín dụng, chính sách về thuế, chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động, v.v.. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này đến nay còn hạn chế.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết phản ánh, các doanh nghiệp đánh giá các chính sách, chủ trương của Chính phủ là để kịp thời, tích cực và quyết liệt, nhưng việc hướng dẫn tổ chức thực hiện còn lúng túng. Bên cạnh các điều khoản của quyết định hỗ trợ cho người lao động chưa hợp lý, chưa sát với thực tiễn và yêu cầu đặt ra, một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vẫn cố gắng duy trì hoạt động, hoặc chỉ đóng cửa một số bộ phận để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động, nhưng lại được xếp vào đối tượng doanh nghiệp có năng lực, có tính bền vững nên không tiếp cận được chính sách hỗ trợ này.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã tích cực dành 16.000 tỷ đồng cho vay tái cấp vốn, tuy nhiên, đến nay vẫn ít doanh nghiệp nhận được từ nguồn gói hỗ trợ này. Do đó, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách đầy đủ các chính sách đã được ban hành, các kết quả đạt được, những hạn chế; đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ và đánh giá tình hình của doanh nghiệp một cách sâu rộng, toàn diện để có chính sách phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực nhằm phát huy hiệu quả của chính sách này.

Trong hoàn cảnh hiện nay, tác động dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các địa phương giảm thu ngân sách khá lớn, làm mất cân đối để thực hiện các mục tiêu chủ lực của một số địa phương, nhất là các tỉnh bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương. Vì vậy, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng việc thực hiện nguyên tắc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư sẽ rất khó thực hiện đối với các tỉnh đang khó khăn về nguồn thu. “Đề nghị cần xem xét tính đặc thù của một số tỉnh, địa phương khó khăn để tạo điều kiện cho các tỉnh ổn định và phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nói.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm. Nhấn mạnh tầm quan trọng của bối cảnh này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ cần rà soát khả năng đạt được của chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, điều kiện, bối cảnh 2021 và xem xét trong tổng thể Kế hoạch 5 năm, bảo đảm thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ cần làm rõ thêm về việc dự toán ngân sách nhà nước, năm 2021 tổng thu tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, tính toán thấp hơn so với tăng trưởng kinh tế theo dự kiến.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tác động đến dịch bệnh và thực trạng nền kinh tế của nước ta hiện nay, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết thống nhất tăng trưởng kinh tế GDP năm 2021 là 6% - 6,5%, đồng thời cần xây dựng và đánh giá kỹ từng dự khoản trong bối cảnh tình hình thế giới khó dự đoán và những kết quả ảnh hưởng tới Việt Nam.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng cần phải có sự linh hoạt về chính sách vĩ mô của từng bộ, ngành liên quan, từng lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, v.v., đồng thời chủ động trong kế hoạch năm 2021; rà soát các quy hoạch, kế hoạch theo hướng thích ứng với tình hình mới, với tư duy quản lý và thể chế phù hợp. Ngoài ra, cần quan tâm đặc biệt đến hoạt động khai thác, phát triển nội lực, bao gồm đầu tư công, tập trung các dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa cao, phát huy kinh tế vùng, giải quyết các nút thắt giao thông về các tuyến cao tốc.

Bên cạnh quan tâm giảm lãi suất, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng cần có giải pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dùng, tạo động lực thực hiện 2 nhóm chiến lược, đó là thúc đẩy tăng trưởng ổn định vĩ mô song song với kiểm soát dịch bệnh, đồng thời xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở, lũ lụt hiện nay.

Để có giải pháp xử lý hiệu quả trong thời gian tới, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ cần có chính sách phù hợp, đủ sức tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân; tạo điều kiện hình thành và phát triển các doanh nghiệp đầu tàu; tạo sức lan tỏa, tác động tăng trưởng; đồng thời khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai để giải phóng sức sản xuất.

Riêng về hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, với những kết quả mang lại vừa qua, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết thống nhất chuyển tiếp sang năm 2021, nhưng cần phải tổng kết, đánh giá, xác định các tiêu chí phù hợp trong tình hình hiện nay. Đồng thời, tránh trùng lặp về đối tượng địa bàn giữa các chương trình, gây lãng phí trong thời gian tới.  

Hồ Hương