ĐBQH VÕ ĐÌNH TÍN: CẦN XÁC ĐỊNH TIÊU CHÍ HỘ NGHÈO MỘT CÁCH THỰC CHẤT, CÔNG KHAI, MINH BẠCH

28/01/2021

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Võ Đình Tín kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xác định tiêu chí hộ nghèo một cách thực chất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng xác định tiêu chí hộ nghèo đa chiều, không rõ ràng nhằm đảm bảo cân đối nguồn lực, thực hiện chính sách giảm nghèo một cách bền vững.

Theo đại biểu Võ Đình Tín, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo.

Đại biểu Võ Đình Tín cho biết, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ cho thấy, tính đến tháng 8/2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 60,23%, vượt mục tiêu 10,23%, 10 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 152/664 đơn vị cấp huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều tiêu chí quan trọng như lao động có việc làm, thu nhập, giáo dục, v.v. đã đạt được những kết quả rất khả quan. Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện rõ nét, lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn ngày càng bền vững.

Đại biểu Võ Đình Tín – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn, tổng nguồn lực huy động thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 khoảng 2.965.199 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 21,3%, số hộ nghèo đã giảm nhanh trong giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm đều qua các năm từ 9,88% cuối năm 2015, giảm còn 3,75% ở cuối năm 2019, bình quân trong bốn năm giảm 1,53%.

Đại biểu Võ Đình Tín đánh giá, đây là những cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt là huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 còn một số hạn chế như một số tiêu chí, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn chưa thật sự phù hợp với điều kiện, đặc thù về địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, nhất là tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn chưa phù hợp với đặc trưng của một số dân tộc thiểu số.

 Một số chính sách giảm nghèo chưa được các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực. Mức hỗ trợ còn thấp đã ảnh hưởng tới việc hoàn thành mục tiêu cụ thể của chương trình. Nguồn vốn tín dụng tăng khá lớn, tăng từ 144.657 tỷ đồng năm 2015 lên 263.950 tỷ đồng năm 2019. Nhưng một số chương trình tín dụng có thời hạn, mức cho vay thấp so với yêu cầu thực tế. Mục tiêu, nội dung, đối tượng thụ hưởng của nhiều chương trình, tiểu dự án còn trùng lặp với nhiệm vụ chi thường xuyên, gây lãng phí nguồn lực, chưa đảm bảo tính công bằng.

Theo đại biểu Võ Đình Tín, việc tiếp tục đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn trước, cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân trong những năm tiếp theo.

Đại biểu Võ Đình Tín kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành quy chuẩn nghèo để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực thực tế, thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn mới, giai đoạn 2021-2025. Xác định tiêu chí hộ nghèo một cách thực chất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng xác định tiêu chí hộ nghèo đa chiều không rõ ràng nhằm đảm bảo cân đối nguồn lực, thực hiện chính sách giảm nghèo một cách bền vững.

Cùng với đó, rà soát kỹ đối tượng, nội dung chính sách địa bàn thực hiện các hợp phần dự án, tiểu dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021, giai đoạn 2025. Tổng kết đánh giá toàn diện, hiệu quả, đảm bảo tính tập trung trong phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu, nhiệm vụ mang tính đột phá nhằm làm động lực phát triển, nhất là phát triển vùng nông nghiệp nông thôn tại các khu vực khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, tránh đầu tư trùng lặp hoặc bỏ sót các đối tượng thụ hưởng.

Riêng với các địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Võ Đình Tín đề xuất lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có chủ trương đầu tư đồng bộ và hiệu quả hơn.

Đồng thời rà soát, bãi bỏ một số chính sách mang tính hỗ trợ, mang tính bao cấp, tránh tư tưởng ỷ lại. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách kết nối phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn với vùng phát triển. Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính sách giảm nghèo gắn với quốc phòng an ninh.

Hồ Hương