ĐBQH DƯƠNG ĐÌNH THÔNG GÓP Ý VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

28/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Đình Thông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã có ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại biểu Dương Đình Thông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại biểu Dương Đình Thông nhận thức việc ban hành Nghị quyết về việc thực hiện nhiệm vụ này là hết sức cần thiết, với những lý do được nêu rất đầy đủ cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn. Với mục đích nhằm thể chế hóa và cụ thể hóa đầy đủ hơn từ các chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định Hiến pháp năm 2013 liên quan đến việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Dự thảo Nghị quyết cũng xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ hơn với tính pháp lý cao hơn, đồng thời khắc phục những bất cập, vướng mắc trong phối hợp thực hiện thời gian qua. Đặc biệt, việc cử cán bộ, chiến sĩ của quân đội, công an tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc còn thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế và là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Với những lý do trên, đề nghị Quốc hội thông qua nghị quyết tại kỳ họp này.


Đại biểu Dương Đình Thông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Thứ hai, về hồ sơ, nội dung của dự thảo nghị quyết, đại biểu Dương Đình Thông nhận thấy, Ban soạn thảo đã chuẩn bị và xây dựng rất công phu, cơ bản đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2013 đã được ban hành, đồng thời có sự tham gia đóng góp ý kiến của các Bộ, ban, ngành.

Về nội dung dự thảo nghị quyết gồm 6 chương, 17 điều, đại biểu Dương Đình Thông   thấy các nội dung này đều phù hợp với quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp, chính sách của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, nhất là các vấn đề liên quan đến việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi cao.

Trong nghị quyết này có mấy nội dung được giao cho Chính phủ quy định chi tiết và cũng như ý kiến các đại biểu đã phân tích, đại biểu Dương Đình Thông cho rằng, xác định các nội dung quy định giao cho Chính phủ là phù hợp và đúng với các văn bản quy phạm pháp luật và đúng thẩm quyền của Chính phủ. Các nội dung này đã được thể hiện rất đầy đủ trong dự thảo của Chính phủ cũng như là Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Khi nghị quyết này được ban hành thì các văn bản này sẽ có hiện lực và thực hiện trong thời gian tới.

Thứ ba, một số nội dung cụ thể, đại biểu Dương Đình Thông xin được tham gia một ý về lĩnh vực tham gia được quy định tại điểm l khoản 2 Điều 5. Các nội dung của Ban soạn thảo đề xuất rất là phù hợp, nhưng trong đó có đề xuất thêm các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định, rất phù hợp. Bởi vì, bước đầu chúng ta xác định các lĩnh vực tham gia trong thời gian vừa qua và thời gian tới có thể thực hiện hiệu quả rất tốt. Có thể, trong thời gian tới, trong tương lai, chúng ta nghiên cứu các lĩnh vực khác tham gia phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước. Do vậy, các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định thì vẫn bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Điều này đã được quy định tại khoản 2 Điều 89 của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Vấn đề thứ hai, về xử lý khiếu nại quy định tại Điều 6, đại biểu Dương Đình Thông  cũng nhất trí với ý kiến phát biểu của đại biểu Nguyễn Văn Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã nêu trước đó.

Vấn đề thứ ba, về xây dựng lực lượng quy định tại Điều 7. Đây là một nội dung rất quan trọng, từ việc tuyển chọn con người cho đến đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn và tổ chức thực hiện. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần có sự phối hợp với tất cả các Bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng các quy chế, quy định để bảo đảm thẩm quyền, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong triển khai thực hiện khi đưa lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc./.

Bích Lan