ĐBQH HUỲNH CAO NHẤT: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỜI GIAN, BIỆN PHÁP QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN MA TÚY

17/02/2021

Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Cao Nhất – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, giám sát sau cai nghiện nhằm hạn chế người sau cai nghiện quay lại sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời có các hỗ trợ kịp thời về sinh kế cho những đối tượng này.

Phát biểu tại hội trường Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Huỳnh Cao Nhất cho biết, người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Người nghiện có ở tất cả các địa phương, ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi là nguyên nhân gây ra rất nhiều loại tội phạm và diễn biến ngày càng phức tạp. Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống ma túy của nước ta trong thời gian vừa qua. Vì vậy theo đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy hiện hành đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập, làm trụ cột pháp lý quan trọng đối với công tác phòng, chống ma túy, đáp ứng yêu cầu phòng, chống ma túy trong tình hình mới là hết sức cần thiết và cấp bách.

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Cao Nhất cho rằng chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy được quy định tại Điều 5, Điều 11, Điều 29, như trong dự thảo Luật cơ bản đã đảm bảo đầy đủ, ưu tiên tập trung công tác phòng, chống ma túy. Dự thảo luật đã bổ sung một số điều khoản liên quan đảm bảo về mặt kinh phí của Nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy. Chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, cơ quan thực hiện công tác cai nghiện, không chỉ góp phần phát huy tinh thần chủ động, tích cực của lực lượng chuyên trách được giao thực hiện nhiệm vụ trên mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt, quyết tâm trong công tác phòng, chống ma túy, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy, hạn chế thấp nhất hậu quả do tội phạm ma túy gây ra.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Cao Nhất cũng chỉ rõ, các chính sách của Nhà nước quy định trong dự thảo luật được thiết kế nằm ở nhiều điều luật và ở nhiều chương, với những nội dung điều chỉnh khác nhau, dẫn đến thiếu sự thống nhất về tên gọi của chương với nội dung quy định của từng điều luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần thiết kế lại để đảm bảo tính thống nhất và tính logic của bộ luật.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Cao Nhất cho rằng, nội dung quy định tại khoản 1, Điều 5 của dự thảo: "Phòng, chống ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội" là nguyên tắc, là quan điểm, là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình và xã hội trong công tác phòng, chống ma túy nhưng lại được dự thảo luật thiết kế thành một chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy là chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị khoản này nên quy định thành một điều và đưa vào Chương II, trách nhiệm phòng, chống ma túy trong dự thảo luật, trước trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân, gia đình và xã hội thì sẽ phù hợp hơn.

Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, được quy định tại Điều 23 đến Điều 27 của Chương IV, đại biểu Huỳnh Cao Nhất thống nhất với dự thảo luật thiết kế thêm chương mới này và cơ bản thống nhất với nội dung quy định tại các điều luật. Theo đại biểu, đây là một giải pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng trái phép chất ma túy, vì sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, không tạo ra khoảng trống trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy và phòng, chống tệ nạn xã hội.

Quy định như vậy, chúng ta cũng đã xác định quan điểm lấy phòng ngừa là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi trong công tác phòng, chống ma túy và trách nhiệm phòng ngừa là của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân”, đại biểu Huỳnh Cao Nhất nói.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn các nội dung được quy định ở khoản 4, khoản 5 Điều 24, khoản 1 Điều 25, điểm b khoản 1 Điều 26 trong chương này, vì tính khả thi không cao. Đại biểu Huỳnh Cao Nhất nêu đơn cử, quy định người sử dụng trái phép chất ma túy tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan, tổ chức, nơi làm việc hoặc công an cấp xã nơi cư trú ở khoản 1 Điều 25. Theo đại biểu, người sử dụng trái phép chất ma túy thường sử dụng lén lút, che giấu hành vi của mình, vì sợ người khác biết, sợ xã hội lên án. Chưa kể, theo quy định hiện hành thì người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền. Họ tự khai báo, tức là họ tự xác nhận đã có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Vậy họ có bị phạt không? Nếu bị phạt thì việc họ tự khai báo là khó khả thi. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định phù hợp hơn, nhất là các quy định, chế tài liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình trong công tác phòng, chống ma túy nhằm đảm bảo tính khả thi của các điều luật.

Về phòng, chống tái nghiện, đại biểu Huỳnh Cao Nhất cho biết trong thời gian qua đã có nhiều chính sách và nỗ lực trong việc tổ chức cai nghiện cho người cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo là vấn đề tái nghiện. Theo báo cáo của nhiều tỉnh thành trong cả nước, tỷ lệ tái nghiện là rất cao, lên đến 95%. Điều đó đã làm cho tỷ lệ người nghiện ma túy ngày càng tăng và nỗ lực trong công tác phòng, chống ma túy cũng như tội phạm về ma túy gặp nhiều thách thức. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần phải có giải pháp quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện quyết liệt và hiệu quả hơn.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc các biện pháp quản lý, giám sát, theo dõi sau cai nghiện để kịp thời can thiệp từ nhiều góc độ làm hạn chế người sau cai nghiện, quay lại sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời có các hỗ trợ kịp thời, hiệu quả về sinh kế cho người sau cai nghiện là giải pháp đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống tái nghiện.

Từ phân tích trên, đại biểu Huỳnh Cao Nhất đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về thời gian, biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung các quy định chế tài đối với công tác phòng, chống tái nghiện, nhằm đảm bảo công tác chống cai nghiện hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy hiện nay.

Hồ Hương