ĐBQH MÙA A VẢNG: CẦN CÓ CHẾ TÀI NGHIÊM KHẮC ĐỐI VỚI HÀNH VI VẬN CHUYỂN MA TÚY THUÊ

17/02/2021

Góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Mùa A Vảng – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm, có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vận chuyển ma túy thuê, bởi thực tế, với sức hút siêu lợi nhuận từ ma túy, rất nhiều người nghèo đã liều mình vận chuyển ma túy thuê để rồi rơi vào con đường tù tội.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Mùa A Vảng đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật cũng như các điều, khoản của dự thảo luật. Góp ý vào điều 24 về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã về công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn. Đồng thời, bổ sung cụm từ “chấm dứt việc sử dụng trái phép chất ma túy” vào điểm b khoản 4 để thống nhất với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 24 và điểm a khoản 1 Điều 26. Do đó, điểm b khoản 4 Điều 2 viết lại như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người sử dụng trái phép chất ma túy chịu trách nhiệm chung về công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn và giao Công an cấp xã chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng cấp và gia đình quản lý, giáo dục, động viên để người sử dụng trái phép chất ma túy chấm dứt việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Đại biểu Mùa A Vảng – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, đại biểu Mùa A Vảng cũng chỉ rõ, Điểm b khoản 6 Điều 24, quy định về các trường hợp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy có nội dung chưa rõ, như trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Nếu người sử dụng trái phép chất ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm bao gồm: Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo quy định trên thì biện pháp xử lý hành chính là giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Về bản chất là người bị áp dụng biện pháp này đã được quản lý, giáo dục tại địa phương nơi cư trú. Do đó theo đại biểu Mùa A Vảng, trường hợp này không nhất thiết phải dừng việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Vì vậy, chỉ nên quy định dừng quản lý đối với các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vì lúc này, người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc các trường hợp trên không còn được áp dụng biện pháp quản lý giáo dục tại địa phương nơi cư trú.

Về quy định cơ sở cai nghiện công lập, Điều 33 khoản 3 quy định, trong các quy định tại khoản 2 Điều này phải bố trí khu vực riêng biệt đối với các đối tượng sau:

a. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

b. Là phụ nữ.

c. Người có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

d. Người có hành vi gây rối trật tự.

Theo đại biểu Mùa A Vảng, tại các cơ sở cai nghiện công lập thường là đông người, đối tượng nào có bệnh truyền nhiễm thì nên bố trí khu phòng riêng, không chỉ có đối tượng có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới bố trí phòng riêng như quy định tại điểm c khoản 3 Điều 33 của dự thảo luật. Mặt khác, theo quy định về phân loại bệnh truyền nhiễm, tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì bệnh truyền nhiễm gồm 3 nhóm sau đây:

Nhóm A, gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Nhóm B, gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Nhóm C, gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, có khả năng lây truyền không nhanh. Như vậy, các bệnh truyền nhiễm đều là bệnh nguy hiểm. Chỉ có nhóm C là ít nguy hiểm.

Từ những phân tích trên, đại biểu Mùa A Vảng đề nghị điểm c khoản 2 Điều 33 chỉ nên quy định bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, nhóm B để thống nhất với Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Về những hành vi bị nghiêm cấm và chính sách của nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, đại biểu Mùa A Vảng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm vận chuyển ma túy thuê, thuê người khác vận chuyển ma túy vào khoản 4 của dự thảo luật. Bởi thực tế, các đối tượng thuê người khác vận chuyển ma túy, người vận chuyển ma túy thuê qua biên giới hoặc từ địa bàn này sang địa bàn khác không phải là chuyện hiếm trong thực tế. Dù do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức hút siêu lợi nhuận của ma túy, rất nhiều người nghèo đã liều mình để vận chuyển ma túy thuê, rơi vào con đường tù tội. Vì vậy, đại biểu Mùa A Vảng đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy lần này cần quy định rõ trách nhiệm và nghiêm khắc hơn về những hành vi này.   

Về chính sách của nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, đại biểu Mùa A Vảng đề nghị bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 5 như sau: "Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực biên giới, địa bàn hẻo lánh dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động ma túy".

Đại biểu Mùa A Vảng cho biết trên thực tế, ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu qua những khu vực trên. Bộ đội, công an dù có bố trí lực lượng thế nào cũng khó có thể theo dõi được hết mọi lối mòn đường biên, vì các đối tượng hoạt động rất tinh vi, chủ yếu vào ban đêm.

Do đó, nhà nước cần có chính sách phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt hơn và chính sách khuyến khích mọi người dân ở những khu vực điểm nóng về ma túy tích cực tham gia vào công tác phòng, chống ma túy”, đại biểu Mùa A Vảng đề nghị.  

Hồ Hương