ĐBQH QUÀNG VĂN HƯƠNG: VIỆC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT ĐỐI VỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

23/02/2021

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội Sơn La cho rằng, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong đó có Nghị quyết về giảm nghèo bền vững và tái cơ cấu nền kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Do đó hàng năm Chính phủ cần có báo cáo tách thành mục riêng về việc thực hiện để dễ theo dõi, đánh giá.

Đại biểu Quàng Văn Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, góp ý vào Báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong đó trọng tâm 02 báo cáo: Báo cáo thực hiện Nghị quyết 16 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Báo cáo thực hiện Nghị quyết 24 về tái cơ cấu kinh tế, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội Sơn La chia sẻ thông tin về thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Qua nghiên cứu số liệu thống kê, cũng như là cái kết quả thực hiện trong thời gian qua cho thấy nổi lên 03 vấn đề.

Một là, việc thực hiện Nghị quyết 76 năm 2014 về chương trình giảm nghèo, đến thời điểm này cả nước đã hoàn thành mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, nếu với mức từ năm 2015 là 9,88% đến 2019 là còn 3,15% và đến 2020 định hướng là sẽ còn 2,15%, nghĩa là đạt dưới 3% là đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội thì đối với dân tộc thiểu số, tỷ lệ này, qua thống kê điều tra dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 23,1% và đến 2019 là 22, 3%. Như vậy, tỷ lệ giảm hộ nghèo rất là thấp. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn là 22,3%. Một điểm đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo chung tăng từ 45,25% năm 2015 lên 58,35% năm 2019, nghĩa là tăng hơn 12% trong 4 năm (bình quân 3 năm). Trong 100 hộ nghèo hiện nay là đã có đến gần 60 hộ là hộ nghèo dân thiểu số. Như vậy, việc thực hiện của chúng ta có kết quả rất tốt nhưng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thì còn rất khó khăn.

Đại biểu cho biết điều này có nhiều nguyên nhân: do điều kiện, do đặc thù, do điều kiện địa lý, khả năng hấp thụ chính sách của đồng bào và cả bố trí nguồn lực của chúng ta chưa đáp ứng. Đại biểu đặt vấn đề để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, thì sẽ chuyển nội dung này sang chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội như thế nào để thực hiện tốt việc giảm nghèo nói chung trong cả nước cũng như vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

Hai là, về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.Các con số thống kê cho thấy nếu năm 2015 có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt ấy là 20,1% thì đến năm 20119 còn 19,1%, nghĩa là giảm được 1%. Như vậy, trong 4 năm, bình quân mỗi năm chỉ giảm được 0,25% . Kết quả này là rất thấp so với kết quả chung. Nếu muốn phát triển kinh tế xã hội mà không đào tạo được nguồn nhân lực thì rất khó khăn. Đây là vấn đề đặt ra khi chúng ta đang hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ba là, liên quan đến việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội năm 2016. Nghị quyết này có xác định trong kinh tế nông nghiệp thì nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ được coi là then chốt, đột phá trong phát triển, trong đó, ngành nông nghiệp cũng được xác định là then chốt và đột phá. Tuy nhiên, qua giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số ở miền núi, thống kê của các tỉnh tổng hợp lại (theo đề cương ngân sách) thì có 23 tỉnh có số liệu đầy đủ. Tỷ lệ dự án có hiệu quả là khoảng 24%. Các dự án còn lại có mức độ hiệu quả rất hạn chế bởi nhiều lý do. Luật quy định chưa rõ ràng về chính sách, chỉ quy định ưu tiên, còn chính sách cụ thể chưa có. Các cơ chế áp dụng trong khoa học công nghệ thì áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, không có đặc thù cho vùng miền núi nên khó áp dụng. Khi dự án nghiên cứu kết thúc, để nhân rộng mô hình thì lại không có nguồn kinh phí. Việc liên kết vùng để hình thành các vùng hàng hóa đủ lớn (giữa các tỉnh với nhau) để tạo ra sản phẩm đủ lớn cũng chưa làm được. Việc thực hiện rất manh mún và chưa có cơ quan nào đứng ra kết nối. Do vậy, các dự án nghiên cứu ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số cũng không nhiều, hiệu quả đem lại để giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa được các sản phẩm có lợi thế, nhất là các sản phẩm rau, củ quả để ra thị trường thì chưa nhiều.

Đại biểu cho rằng định hướng trong thời gian tới xác định đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực và khoa học công nghệ là đột phá. Tuy nhiên, đặt vấn đề này trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi như thế nào? Đại biểu đề nghị Chính phủ phải rà soát rất kĩ trên cơ sở rút kinh nghiệm việc thực hiện vừa rồi để xác định những vấn đề cấp bách, bức xúc, có trọng tâm, trọng điểm để chọn những vấn đề có thể giúp cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số miền núi nhanh hơn và vốn đưa ra đầu tư sẽ hiệu quả hơn.

Do đó, đại biểu mong muốn lồng ghép các chính sách từ giảm nghèo, từ tái cơ cấu ngành kinh tế, kể cả tái đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết 100. Chính phủ cũng nên quan tâm hơn đến việc lồng ghép, bố trí các nguồn vốn. Đề nghị đối với Chương trình mục tiêu quốc gia này và các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, trong Báo cáo đánh giá hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội thì nên tách thành mục riêng về việc thực hiện như thế nào để dễ theo dõi, đánh giá./.

Bảo Yến