ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY LÀ BỆNH NHÂN VÀ CŨNG CÓ THỂ LÀ TỘI PHẠM

23/02/2021

Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu ý kiến, người nghiện ma túy là bệnh nhân, cần được điều trị về thể chất, tâm thần, nhưng họ cũng có thể là tội phạm nếu họ có những hành vi phạm tội và khi đó sẽ bị xử phạt.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) lần này rất tiến bộ, nghiêm khắc và cũng rất nhân văn, thể hiện ở việc quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy có nhiều bộ, ngành tham gia và kể cả xã hội, trách nhiệm của cá nhân và đặc biệt của gia đình quy định ở Điều 6. Trách nhiệm của cá nhân và gia đình có quy định rất rõ gồm cả vấn đề thực hiện, vấn đề hợp tác, vấn đề cung cấp.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Trao đổi về vấn đề người người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, Điều 3 dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), khoản 11 quy định rõ: "Tội phạm về ma túy là các hành vi phạm tội được quy định tại Chương Các tội phạm về ma túy trong Bộ luật Hình sự." Đồng thời, khoản 15 giải thích: "Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này."

Như vậy theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, người nghiện ma túy là bệnh nhân, cần được điều trị về thể chất, tâm thần. Nhưng những người nghiện ma túy đó cũng có thể là tội phạm, nếu họ có những hành vi phạm tội và khi đó họ sẽ bị xử phạt.

Dự thảo luật sửa đổi như thế này tôi thấy rất rõ, từ nay trở đi có lẽ không cần phải thảo luận", đại biểu nêu ý kiến.

Ở Điều 23 khoản 2 có nói về cơ quan thẩm quyền xét nghiệm ma túy: a) Là cơ quan y tế. b) Là cơ công an. Đại biểu cho rằng ý này không nên tách ra như vậy, vì cơ quan y tế thì làm được xét nghiệm nhưng chưa chắc đã có thẩm quyền, nếu như không được giao cho thẩm quyền đó. Còn cơ quan công an thì có thể thẩm quyền nhưng không phải là cơ quan y tế để làm xét nghiệm về chuyên môn.

Ở Điều 28 sử dụng cụm từ mà tôi cho là rất hay, đó là cơ quan y tế có thẩm quyền. Như vậy, rõ ràng muốn xét nghiệm ma túy để sử dụng trong việc xác định tội phạm, v.v. thì chỉ cần nói cơ quan y tế có thẩm quyền là được. Tức là, họ vừa có chuyên môn về y tế, nhưng có thẩm quyền được giao cho làm nhiệm vụ đó”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Về Điều 35, quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, đại biểu cho rằng đây là điều rất mới và tiến bộ, vì hiện nay ma túy đang phát triển rất rộng, do vậy tất cả đều phải tham gia vào hoạt động này, và nếu làm được thì rất tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định như vậy thì khó làm, vì ngay chữ "tự nguyện" ở đây, có người thích tự nguyện, nhưng có người bị nghiện rồi nhưng họ không tự nguyện, cũng rất khó khả thi. Vì vậy theo đại biểu, điều này cần phải có quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, đây là Luật “Phòng, chống ma túy”, nhưng phần “Phòng” còn rất mờ nhạt và chưa rõ ràng, cần làm rõ, sâu sắc và cụ thể hơn.

Phòng là quan trọng, phòng là hiệu quả, nhưng để làm được cũng cần có quy định về nội dung phòng, tiếp đó phải có người làm, có cơ quan chịu trách nhiệm và đặc biệt phải có tài chính để thực hiện việc đó”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận định.

Hồ Hương