ĐBQH DƯƠNG XUÂN HÒA GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)

23/02/2021

Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Dương Xuân Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ tán thành với dự thảo Luật, đồng thời góp ý vào một số vấn đề cụ thể.

Về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy tại Điều 12, đại biểu nhất trí với quy định tại khoản 1 của điều này. Tuy nhiên, tại khoản 3 quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, đại biểu Dương Xuân Hòa cho rằng dự thảo Luật chưa quy định rõ quyền hạn của lực lượng chuyên trách này như quy định đối với lực lượng công an. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để thiết kế lại khoản 3 này theo hướng quy định khung pháp lý, trao quyền hạn cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan để cho phù hợp, tương thích với khoản 1 Điều 12. Hơn nữa, trong hồ sơ của dự thảo luật, văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành cũng chỉ liệt kê nhiệm vụ chứ không có quy định về nhiệm vụ cho các cơ quan.

Đại biểu Dương Xuân Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy ở Điều 25, tại khoản 1 của điều này quy định trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy phải tự khai báo hành vi sử dụng trái phép của mình với cơ quan, tổ chức, nơi làm việc hoặc công an cấp xã nơi cư trú. Theo đại biểu, quy định như dự thảo là chưa bảo đảm tính khả thi vì trên thực tế, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy rất ít tự giác thực hiện quy định này.

Nếu người sử dụng trái phép chất ma túy không tự giác khai báo thì hậu quả pháp lý ra sao?”, đại biểu Dương Xuân Hòa băn khoăn, đồng thời đề nghị những vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Cũng theo đại biểu Dương Xuân Hòa, điểm b, khoản 1 Điều 26, cũng cần phải quy định trách nhiệm pháp lý của gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy khi không thực hiện trách nhiệm thông báo với Công an cấp xã nơi cư trú thì mới bảo đảm tính khả thi.

Về chính sách của nhà nước về phòng, chống ma túy tại khoản 2 của điều này, đại biểu đề nghị lược bỏ cụm từ "khuyến khích" và viết lại khổ đầu của khoản 2 Điều 5 này là: "Nhà nước có chính sách bảo vệ, hỗ trợ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy". Theo đại biểu Dương Xuân Hòa, việc lược bỏ cụm từ này nhằm bảo đảm phù hợp với quan điểm của Đảng là tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Hơn nữa, việc lược bỏ cụm từ này cũng bảo đảm thống nhất với Điều 11 chính sách đối với người tham gia phòng, chống ma túy.

Điều 15 có quy định về tiêu hủy và được dẫn chiếu sang thực hiện theo quy định của pháp luật về dược, tuy nhiên theo đại biểu Dương Xuân Hòa, khi đối chiếu với 116 điều của Luật Dược năm 2016 thì quy định về tiêu hủy không rõ. Do vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định khung pháp lý về tiêu hủy chất ma túy, tiền chất ma túy cho phù hợp với tình hình thực tế trong công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy hiện nay.

Về xác định người sử dụng trái phép chất ma túy ở Điều 23 khoản 1, đại biểu Dương Xuân Hòa cho rằng quy định như trong dự thảo là chưa rõ, đề nghị sửa lại phải bao hàm 3 ý: thứ nhất, người bị coi là người sử dụng trái phép chất ma túy, không được pháp luật cho phép; thứ hai, có xét nghiệm dương tính với chất ma túy và thứ ba, xác định hoặc chưa xác định trong tình trạng nghiện.

Đại biểu Dương Xuân Hòa cho rằng việc thiết kế lại quy định này nhằm bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 16 Điều 3 trong dự thảo luật. Hơn nữa, việc quy định rõ như vậy bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy.

Hồ Hương