GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT HOẶC PHÁP LỆNH VỀ AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA VÀ SỨC KHỎE NHÂN DÂN

24/02/2021

Cần thiết xây dựng Luật hoặc pháp lệnh về an ninh lương thực quốc gia và sức khỏe nhân dân là quan điểm của đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình mới, đồng thời duy trì nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Phóng viên: Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu đã phát biểu về sự cần thiết xây dựng luật hoặc pháp lệnh về an ninh lương thực quốc gia và sức khỏe nhân dân. Vậy, xuất phát từ thực tế nào đại biểu lại đề xuất vấn đề này?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, ý kiến phản ánh của các nhà khoa học và quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng cần thiết phải xây dựng luật hoặc pháp lệnh về an ninh lương thực quốc gia và sức khỏe nhân dân. Đến thời điểm này, về cơ bản chúng ta hoàn toàn an tâm về an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng nổi lên 1 số yếu tố mới ở cả quốc tế và Việt Nam mà chúng ta cần phải lưu tâm, xem xét lại vấn đề này trong định hướng phát triển chung. Xoay quanh quan điểm của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, an ninh lương thực được hiểu là sự bảo đảm trên các trụ cột: sự sẵn có của lương thực; khả năng tiếp cận của người dân; sử dụng lương thực dinh dưỡng và an toàn; sự ổn định của nguồn cung lương thực.

Theo đánh giá về chỉ số an ninh lương thực toàn cầu gần đây, dựa vào các tiêu chí về sự sẵn có của thực phẩm, khả năng tiếp cận của người dân và chất lượng an toàn thực phẩm cho thấy, top 10 nước có chỉ số cao nhất không có Việt Nam, trong khi chúng ta đứng hàng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo. Việt Nam xếp thứ 54, đáng chú ý Singapore không có đất trồng lúa, gạo sử dụng từ nhập khẩu lại có chỉ số an ninh lương thực đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng này. Qua đó cho thấy, an ninh lương thực dựa vào lúa nhưng không có chính sách phù hợp để bảo đảm nguồn cung và phân phối bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm và sự ổn định của nguồn cung sẽ không thể bảo đảm an ninh lương thực đầy đủ theo xu hướng mới.

Vì vậy, để bảo đảm an ninh lương thực trong tình hình mới, đồng thời duy trì nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, tôi cho rằng việc quan tâm nghiên cứu xây dựng luật hoặc pháp lệnh về an ninh lương thực quốc gia và sức khỏe của Nhân dân là cần thiết

Phóng viên: Nếu xây dựng luật hoặc pháp lệnh về lĩnh vực này cần quy định theo hướng nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: An ninh lương thực là tình huống mang tầm vóc quốc gia, có khi mang tính chất khẩn cấp, có khi mang tính chất lâu dài. Do đó, cần phải có khung pháp lý phù hợp cho mọi tình huống xảy ra. Vì vậy, Luật hoặc pháp lệnh về vấn đề này cần quy định bảo đảm nguồn lực và tổ chức thực hiện 4 trụ cột về an ninh quốc gia gồm: nguồn cung, khả năng tiếp cận, sử dụng an toàn dinh dưỡng và ổn định nguồn cung. Việc xây dựng Luật hoặc pháp lệnh cũng phải dựa trên nền tảng quy định của Hiến pháp 2013 về nội dung này “dự trữ quốc gia phải được sử dụng hiệu quả công bằng, công khai, minh bạch đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi của nhà sản xuất”.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý, trong các tình huống quốc gia như dịch bệnh, thiên tai, phương án bố trí hệ thống phân phối để đảm bảo an ninh lương thực, theo tiêu chí, khả năng tiếp cận của người dân có vai trò quan trọng để tránh ra xảy ra khủng hoảng hoặc những chính sách ảnh hưởng tiêu cực, đến tiêu thụ lương thực hoặc là nguồn thu kinh tế của doanh nghiệp, của Nhà nước. Ngoài ra, về khả năng tiếp cận lương thực của người dân, đó là khả năng người dân có thể tìm và có khả năng mua được lương thực. Việc này liên quan đến khả năng tài chính của người dân cũng như phương án bố trí hệ thống phân phối lương thực của chính quyền.

Việc sử dụng lương thực an toàn và dinh dưỡng là tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn, dinh dưỡng, lương thực trong chuỗi cung ứng thực phẩm cho người dân. Quy cách, chất lượng thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm là quan niệm tiên tiến về quan điểm an ninh lương thực trong tình hình mới. Điều này cho thấy, định hướng về các khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế biến sau thu hoạch và phân phối đều phải đảm bảo các yêu cầu lợi ích cho người dân.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì nếu Luật hoặc pháp lệnh về an ninh lương thực quốc gia và sức khỏe nhân dân được xem xét nghiên cứu và ban hành?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Trong trường hợp Luật hoặc pháp lệnh về an ninh lương thực quốc gia và sức khỏe nhân dân được nghiên cứu và thông qua sẽ giúp cho việc điều hành của Nhà nước được hiệu quả và thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, trên cơ sở có luật người dân và doanh nghiệp cũng qua đó hợp tác tốt hơn, có chiến lược hiệu quả phù hợp với chiến lược chung của đất nước. Tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ sở giúp cho giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người dân có sự phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sẽ quan tâm nghiên cứu xây dựng Luật hoặc pháp lệnh về an ninh lương thực quốc gia và sức khỏe của nhân dân để đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình mới, đồng thời duy trì nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh