GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA CỬ TRI VỀ QUYỀN BẦU CỬ

16/03/2021

Bầu cử là hoạt động rất quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước, là quyền chính trị cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: ''Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín''.

 

Nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp va bỏ phiếu kín

Luật Bầu cử năm 2015 dành một chương riêng quy định việc lập danh sách cử tri để bảo đảm tất cả công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền đi bầu cử. Theo đó, Chương IV Luật Bầu cử năm 2015 quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri, những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc đi bỏ phiếu ở nơi khác.

Bên cạnh việc quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri, Luật Bầu cử năm 2015 còn quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong việc lập danh sách cử tri. Theo đó, Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.

Quy định này nhằm thể hiện trách nhiệm của các cơ quan trong việc lập, niêm yết danh sách cử tri, đồng thời tạo điều kiện để người dân biết về quyền bầu cử và nếu phát hiện có sai sót về danh sách cử tri thì có qyền khiếu nại, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.

Bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân

Cùng với việc quy định về danh sách cử tri, thẩm quyền và trách nhiệm lập danh sách cử tri, Luật Bầu cử năm 2015 quy định ngày bầu cử là ngày chủ nhật để cử tri có điều kiện tham gia bầu cử đầy đủ. Như vậy, quy định của pháp luật về bầu cử bảo đảm mỗi công dân 18 tuổi trở lên, không phân biệt dân tộc, giới tính, giai cấp, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa,… đều có quyền bầu cử, bình đẳng trong việc thực hiện quyền bầu cử và lựa chọn người đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương.

Cụ thể hóa nguyên tắc bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín, Luật Bầu cử năm 2015 quy định mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện quyền bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị giam giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện quyền bầu cử.

Như vậy, Nhà nước tạo điều kiện cho cử tri thực hiện quyền bầu cử và tham gia các hoạt động bầu cử, việc hạn chế quyền bầu cử phải trên nguyên tắc pháp quyền. Nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín là nguyên tắc quan trọng mang tính nền tảng của chế độ bầu cử, có tính bắt buộc phải tuân thủ trong suốt quá trình bầu cử.

Nâng cao nhận thức của cử tri về bầu cử

Thời gian qua, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao chiếm trên 99%. Kết quả này cho thấy, nhận thức của người đân về quyền bầu cử, quyền chính trị cơ bản của công dân được nâng cao. Đa phần cử tri đều tự mình đi bầu cử, bỏ phiếu trực tiếp. Việc kiểm phiếu được tiến hành công khai. Quyền bầu cử của công dân luôn được đề cao, bảo đảm thực hiện đầy đủ theo luật định. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả điều tra xã hội học về hoạt động tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII năm 2011 cho thấy, vẫn còn hiện tượng bỏ phiếu thay, một người bỏ phiếu cho nhiều người.

Để khắc phục tình trạng bầu cử hộ, bầu cử thay ở một số đơn vị bầu cử, theo Ts. Nguyễn Viết Chức, Đại biểu Quốc hội khóa XII, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về bầu cử để cử tri tham gia bầu cử một cách thực chất.

TS. Nguyễn Viết Chức, Đại biểu Quốc hội khóa XII

Phóng viên: Thưa ông, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra một cách thành công thì các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương cần làm gì để hạn chế việc bỏ phiếu thay, bỏ phiếu hộ?

TS. Nguyễn Viết Chức, Đại biểu Quốc hội khóa XII: Bầu cử là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước. Thông qua hoạt động bầu cử, người dân sẽ lựa chọn những đại diện tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhan dân các cấp. Thống kê từ các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thời gian gần đây cho thấy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao chiếm trên 90%. Điều này cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về quyền bầu cử, ý thức chính trị của người dân được tăng lên. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn tồn tại hiện tượng bỏ phiếu hộ, bỏ phiếu thay; một người bỏ phiếu co nhiều người. Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng điều này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc bầu cử.

Ở một góc độ khác, có thể thấy, việc bỏ phiếu thay, bỏ phiếu hộ do ảnh hưởng từ truyền thống gắn bó của gia đình Việt. Trong một gia đình ít khi có mâu thuẫn, chính kiến khác nhau trong lựa chọn bỏ phiếu như một số nước phương Tây mà thường ở Việt Nam vợ, chồng, con cái thường đồng thuận, chung quan điểm,  ý kiến đồng tình là bầu cho đại biểu A hay đại biểu B.  Vì cùng chung lựa chọn, nên dẫn tới việc một người đại diện cho gia đình đi bỏ phiếu. Từ đó vô tình dẫn tới tình trạng bỏ phiếu thay, bỏ phiếu hộ. Tuy nhiên, để đảm bảo 100% quyền cử tri, quyền của đại biểu thì cần tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ và thực hiện đúng quy định trực tiếp đi bỏ phiếu lựa chọn đại diện xứng đáng, đủ tiêu chuẩn vào cơ quan dân cử.

Phóng viên: Vậy công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trực tiếp tham gia bầu cử có vai trò như thế nào thưa ông?

TS. Nguyễn Viết Chức, Đại biểu Quốc hội khóa XII: Tôi cho rằng, người dân Việt Nam có ý thức chính trị tích cực và ngày càng cao, từ trước đến nay, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu  rất cao và thường đi bầu rất sớm, nhưng công tác tuyên truyền vận động vẫn cứ phải tiếp tục và cần thiết. Để khắc phục tình trạng bầu cử hộ, bầu cử thay cần nâng cao nhận thức của người dân về bầu cử để người dân hiểu được ý nghĩa của việc tham gia bầu cử. Việc trực tiếp đi bỏ phiếu không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của người dân khi trực tiếp lựa chọn, bỏ phiếu cho những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở trung ương cũng như ở địa phương.

Bên cạnh đó, các hình thức tuyên truyền, vận động cũng cần phong phú, đa dạng, gần gũi và dễ tiếp cận. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền tới những cử tri lần đầu đi bỏ phiếu. Cần có cơ chế để cử tri có đầy đủ thông tin về người ứng cử trước khi quyết định bỏ phiếu lựa chọn người đại diện cho mình. Như vậy, sẽ tạo tâm lý hứng khởi và hào hứng cho cử tri trong ngày hội toàn dân. Trong quy định của pháp luật cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định xử lý đối với cử tri trong việc không thực hiện quyền bầu cử; hành vi bầu hộ, bầu thay, vận động bầu cử tại phòng bỏ phiếu,…Việc tham gia bầu cử của cử tri không chỉ là quyền mà còn thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân đối với Nhà nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Phóng viên: Theo ông cũng cần phát huy vai trò giám sát của cử tri trong quá trình bầu cử như thế nào để quá trình bầu cử diễn ra công khai, dân chủ?

TS. Nguyễn Viết Chức, Đại biểu Quốc hội khóa XII: Tôi nghĩ là rất cần thiết phải phát huy vai trò giám sát của cử tri trong quá trình bầu cử vì cử tri phát hiện được kịp thời hơn chúng ta. Cử tri là những người dân sống tại các điểm bầu cử; các đại biểu muốn có kế hoạch hành động tốt, muốn trở thành đại biểu phải phải lắng nghe một cách thấu đáo, lắng nghe bằng cả trái tim để thấu hiểu nguyện vọng của cử tri. Việc lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của người dân phải được thực hiện ngay cả trước khi  bầu cử để hiệp thương cho chất lượng. Con người có sự vận động theo hoàn cảnh và cả theo tiến trình của xã hội; có thể vận động tích cực có thể vận động không tích cực cho nên rất cần giám sát của cử tri để có một Hội đồng nhân dân, một Quốc hội chất lượng thể hiện đúng nguyện vọng, ý chí của người dân. Việc cử tri tham gia vào giám sát quá trình bầu cử góp phần quan trọng bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, công bằng và khách quan.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh