ĐBQH NGUYỄN TẠO: CÂN NHẮC SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

16/03/2021

Thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, luật chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, đánh giá tác động một cách thật sâu sắc và khách quan.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, đối tượng điều chỉnh của dự luật chưa được rõ ràng, chưa xác định rõ được địa vị pháp lý của lực lượng tham gia mang tính quần chúng, tự nguyện, chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức này trong các nội dung của điều luật. Từ đó đặt ra các vấn đề về cơ cấu tổ chức, lực lượng theo thẩm quyền quản lý Nhà nước, chế độ, chính sách có liên quan, việc phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở, trang bị công cụ hỗ trợ, xây dựng trụ sở...

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tạo chỉ rõ, khi tổng hợp 3 lực lượng là lực lượng công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng sẽ tăng lên khoảng 810.000 người. Đây sẽ là một gánh nặng cho ngân sách địa phương, đặc biệt là khó khả thi đối với các tỉnh còn khó khăn trong việc cân đối ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Tạo, khi lực lượng này thực hiện nhiệm vụ mà không có lực lượng công an có mặt, trong trường hợp bị các đối tượng chống đối thì không thể xử lý đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ và thể hiện tính thực thi pháp luật không nghiêm ở cơ sở.

Lực lượng này không phối hợp, mang tính chất không chính danh thì có cần thiết phải trang bị công cụ hỗ trợ, hoặc xây dựng trụ sở cho lực lượng này hay không?”, đại biểu Nguyễn Tạo nêu vấn đề.

Đại biểu Đoàn Lâm Đồng chỉ rõ, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đã có lực lượng phối hợp với công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của mình, được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 27 của Luật Quốc phòng, đó là Lực lượng dân quân tự vệ. Đây là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ dân sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo khoản 2 Điều 5 của Luật Dân quân tự vệ, một trong những nhiệm vụ của dân quân tự vệ là phối hợp với các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, tại khoản 1 Điều 42 của Luật Dân quân tự vệ cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an là chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức việc phối hợp hoạt động giữa các đơn vị công an nhân dân và dân quân tự vệ trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và cũng thể hiện vai trò của chính quyền địa phương ở khoản 1 Điều 44 là vai trò Hội đồng nhân dân tỉnh.

Khoản 1 Điều 44, quy định về ngân sách bảo đảm cho dân quân tự vệ của địa phương và ở khoản 2 điều này cũng xác định rõ chức năng, trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp đối với lực lượng dân quân tự vệ khi được giao nhiệm vụ mới. Nếu tổ chức tốt việc phối hợp đồng bộ giữa lực lượng công an nhân dân với lực lượng dân quân tự vệ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật thì không tổ chức bộ máy, chi phí thường xuyên cho khoảng một triệu rưỡi người tham gia lực lượng bảo vệ trị an cơ sở, vô cùng tốn kém cho ngân sách nhà nước ở địa phương.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị không ban hành luật này và đề nghị Chính phủ cần đánh giá nghiêm túc.

Hồ Hương