GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIẢI PHÁP NÀO VỪA PHÁT TRIỂN KINH TẾ VỪA PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID -19 HIỆU QUẢ?

17/03/2021

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và nền kinh tế trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh hưởng của đại dịch không chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn gây ra những tiêu cực xã hội như mất việc làm, giảm thu nhập... Trước những tác động rõ ràng đó, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp để vừa thực hiện chiến lược phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả.

COVID 19 tác động mọi mặt đến kinh tế - xã hội

Hiện dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu... Cầu của nền kinh tế (như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) bị sụt giảm, từ đó làm suy giảm hoạt động sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế. Đối với yếu tố cung, đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và lao động.

Tại Việt Nam, COVID-19 tác động lên nền kinh tế và làm cho tăng trưởng kinh tế nước ta rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước có 98.954 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm bị sụt giảm trong giai đoạn 2015-2020. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 số DN thành lập mới bình quân mỗi năm tăng 14,3%. Có 78,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 38,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngành bán lẻ bị tác động trực tiếp do dịch COVID-19, trung tâm thương mại vắng khách

Các chuyên gia nhận định, ngành bán lẻ là một trong những ngành bị tác động trực tiếp bởi lượt khách mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại giảm hơn do người dân có tâm lý hạn chế đến những nơi công cộng, những nơi tập trung đông người nhằm tránh khả năng lây nhiễm của dịch. Điều này khiến cho nhu cầu tiêu dùng giảm xuống.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, ngành bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Hầu hết các siêu thị đều giảm doanh thu. Trong siêu thị rất vắng, khách hàng hạn chế đến mua sắm, nhưng dịch vụ bán lẻ, giao hàng tận nơi phục vụ nhu cầu người tiêu dùng lại tăng trưởng hơn so với việc mua sắm tại chỗ. Các siêu thị cũng cố gắng thích nghi, tìm kiếm những sản phẩm phù hợp phục vụ trong đợt cao điểm dịch bệnh.

Ở một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc nên cũng chịu tác động tiêu cực do gián đoạn chuỗi cung ứng như ngành dệt may, da giày.

Với lĩnh vực du lịch, Việt Nam cũng là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10%-15%.

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, COVID-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến nhiều ngành, trong đó ngành du lịch là ngành chịu tổn thương nhiều nhất. Ngành du lịch của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào khách du lịch từ Trung Quốc. Hơn nữa khi chúng ta công bố dịch bệnh ở Việt Nam thì du khách ở các nước khác cũng e ngại và hoãn đến Việt Nam.

Cùng với ngành du lịch, ngành giao thông vận tải cũng chịu tác động mạnh do đại dịch, trong đó vận tải hàng không bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm tới hơn 79,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, hàng không Việt Nam thiệt hại khoảng 4 tỷ USD trong năm 2020.

Ở góc độ xã hội, COVID-19 tác động làm sụt giảm thu nhập tạm thời của hộ gia đình và người lao động. Không đồng lương, không đồng trợ cấp, nhưng tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt vẫn phải trang trải từng ngày… Đây là tình trạng chung của hàng nghìn công nhân tại khu công nghiệp Hà Nam nói riêng và các khu công nghiệp của Việt Nam nói chung.

 Em Cao Văn Bình: Em không có tiền lương, chi phí sinh hoạt hàng ngày rất vất vả, cuộc sống khó khăn

Em Cao Văn Bình, công nhân Khu Công nghiệp Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam cho biết, những người công nhân như em phải tạm dừng công việc, có lúc phải nghỉ việc, cuộc sống trang trải sinh hoạt hàng ngày thì cần nhiều chi phí. Từ khi dịch Covid phát sinh, các chi phí hàng ngày tăng cao, mà công việc thì không có nên em Bình không có tiền lương, chi phí sinh hoạt hàng ngày rất vất vả, cuộc sống khó khăn, bấp bênh.

Rõ ràng, COVID-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động.

Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch

Trước tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Thứ nhất, gói chính sách tiền tệ - tín dụng nhằm cơ cấu lại, giãn - hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng.

Thứ hai, gói cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1% - 2,5%/năm.

Thứ ba, gói tài khóa (giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số thuế và phí) với tổng giá trị 180.000 tỷ đồng.

Thứ tư, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu lao động và đối tượng yếu thế.

Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội thì rất cần sự quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, địa phương và sự chung tay, góp sức của toàn thể người dân cả nước. Cú sốc dịch tễ chưa có tiền lệ này cho thấy hệ thống y tế và giáo dục của Việt Nam cần được củng cố và có những thay đổi căn bản. Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất y tế và giáo dục nhằm ứng phó hiệu quả trước các cú sốc y tế trong tương lai. Quan trọng hơn, cơ sở vật chất y tế và giáo dục cần được thay đổi để tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (ví dụ như học online) nhằm thích nghi tốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đại dịch COVID-19 đặt nền kinh tế nước ta trước những thách thức vô cùng to lớn, đồng thời đem lại những cơ hội. Cú sốc này góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế; lợi ích to lớn trong ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại được nhìn nhận rõ nét hơn, sản phẩm mới xuất hiện và phát triển rộng rãi. Các xu thế này đòi hỏi phải có sự thay đổi thể chế, quy định nhằm thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.

Giải pháp vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả

Trước những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã trực tiếp chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chiến lược, giải pháp để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Tại nghị trường Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước cũng như toàn cầu. Và Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế duy trì được tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi suy thoái sâu nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929-1933. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau, để bất luận trong trường hợp nào, chúng ta vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.

Thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tiếp tục kiên trì một số biện pháp và chính sách quan trọng nhằm củng cố hơn nữa niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thứ nhất, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng giảm thiểu rủi ro, chi phí và các thủ tục; loại trừ các xung đột, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

Thứ hai, ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống về cả ba phương diện số lượng, chất lượng, và tính đồng bộ. Chú trọng đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn miền núi….

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo lao động giàu kỹ năng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.

Thứ tư, lành mạnh hóa hơn nữa hệ thống tài chính - ngân hàng, áp đặt kỷ luật đối với các ngân hàng yếu kém để giảm rủi ro, giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã cắt giảm thuế và chi phí hành chính, đồng thời xóa bỏ các trở ngại về mặt chính sách và môi trường kinh doanh để khuyến khích tinh thần doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo; tham gia nhiều hiệp định FTA để mở rộng không gian phát triển mới cho nền kinh tế, nhất là hai hiệp định FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, góp phần đa dạng hóa thị trường, tham gia tích cực hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tiếp tục đề cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng dập dịch; thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tập trung phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH.

Để đánh giá và giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Tất Thắng về giải pháp để thực hiện mục tiêu kép.

Đại biểu Phạm Tất Thắng: cần sự quyết tâm cao, sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để thực hiện tốt mục tiêu kép

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nhuyễn Xuân Phúc về giải pháp thực hiện mục tiêu kép. Vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Có thể nói Việt Nam cũng như thế giới đang trải qua đại dịch COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện và có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay chưa có giải pháp hữu hiệu để kiềm chế hoàn toàn đại dịch này. Do vậy việc phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là việc làm rất quan trọng.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải phát triển kinh tế, các hoạt động xã hội vẫn cần diễn ra bình thường. Như vậy chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép như đề xuất của  Chính phủ, đó là vừa có giải pháp để đảm bảo phát triển kinh tế, tạo ra thu nhập, tạo ra tăng trưởng, vừa phải giữ mục tiêu khống chế tốt dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân.

Do vậy chúng ta gọi là mục tiêu kép, đây là hai yêu cầu khác biệt nhau đều phải đạt được trong cùng một thời điểm. Để thực hiện được thì chúng ta cần có giải pháp căn cơ. Chính vì thế, tôi đã chất vấn Thủ tướng về nội dung này.

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu trước nghị trưởng Quốc hội. Vậy quan điểm của đại biểu như thế nào về nội dung trả lời của Thủ tướng và đâu là nguyên nhân chúng ta thực hiện tốt mục tiêu kép này trong thời gian qua?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Tôi đồng tình và đánh giá cao phần trả lời của Thủ tướng trước nghị trường Quốc hội tại kì họp thứ 10. Thủ tướng với vai trò là người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đồng thời tạo ra nhận thức chung trong Chính phủ, trong xã hội để quyết tâm thực hiện mục tiêu kép. Những giải pháp mà Thủ tướng đưa ra trước Quốc hội là khá phù hợp và khả thi.

Bốn giải pháp mà Thủ tướng đưa ra cơ bản đầy đủ, có tính hệ thống, có tính kế thừa và là giải pháp rất căn cơ. Vấn đề ở đây là cần sự quyết tâm, sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp để thực hiện được các giải pháp này một cách cụ thể.

Tôi cho rằng, Việt Nam là một trong số ít nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trên 2%, đồng thời chúng ta khống chế tốt dịch bệnh ngay từ đợt dịch đầu tiên, không có ca tử vong nào. Đợt dịch thứ hai chúng ta cũng khống chế khá tốt, khoảng cách từ đợt dịch thứ nhất đến đợt dịch thứ hai khoảng 3 tháng, và đợt dịch thứ hai đến đợt dịch thứ ba cũng khoảng 3 tháng, không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Chính vì vậy, chúng ta tạo ra trạng thới bình thường mới trong xã hội. Chúng ta duy trì các hoạt động phát triển kinh tế, hoạt động xã hội bình thường, mở lại dần các hoạt động giao thương quốc tế trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ. Do đó chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh và đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế dương.

Như vậy, những giải pháp mà chúng ta áp dụng đã đem lại hiệu quả, chúng ta cần rút kinh nghiệm và tiếp tục phát huy trong giai đoạn tiếp theo. Tôi tin tưởng rằng, với sự phát triển của y học, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hy vọng trong năm 2021 sẽ có vắc xin để phòng dịch COVID-19 một cách hiệu quả.

Phóng viên: Tại phiên trả lời chất vấn, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần tiếp tục kiên trì, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng giảm thiểu rủi ro, chi phí và các thủ tục. Đại biểu đánh giá như thế nào về giải pháp này?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Tôi cho đây là giải pháp phù hợp, giải pháp căn cơ và chúng ta sẽ phải áp dụng trong thời gian tới, không chỉ trong năm 2021. Bởi vì đột phá về mặt thể chế là đột phá mà Đảng ta, Quốc hội ta đã xác định từ 5 năm trước đây và cần tiếp tục thực hiện trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Thể chế hiện nay vẫn là một rào cản của chúng ta trong quá trình phát triển, đặc biệt là việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư nước ngoài rất yên tâm khi đến với Việt Nam giàu tiềm năng, người dân thân thiện, hệ thống chính trị ổn định, độ an toàn xã hội cao. Nhưng qua điều tra mức độ hài lòng bằng nhiều kênh khác nhau, nhiều nhà đầu tư vẫn phàn nàn về thể chế của chúng ta, quy định còn rườm rà, chồng chéo, nhiều giấy phép con, nhiều tầng nấc quản lý, ảnh hưởng đến tốc độ phê duyệt và đầu tư dự án của họ. Tình trạng nhũng nhiễu, tệ nạn tham nhũng vặt ở một bộ phận cán bộ, công chức cũng tạo ra rào cản đối với việc thu hút đầu tư, hoạt động của các doanh nghiệp.

Do đó, những cải thiện mà Thủ tướng nêu có liên quan với nhau. Khi chúng ta cải cách thể chế thì chúng ta sẽ giảm bớt được phiền hà, thủ tục hành chính mà nhà đầu tư phải chịu. Khi cải cách được thủ tục hành chính, bản thân đội ngũ công chức của chúng ta cũng sẽ ít cơ hội để có thể lợi dụng kẽ hở trong các quy định nhằm trục lợi riêng cá nhân, lợi ích nhóm… Khi chúng ta giải quyết được những vấn đề đó thì nó sẽ có tác động đến các việc khác cùng vận hành.

Nhưng tất cả những giải pháp đó phải thực hiện đồng thời. Một mặt chúng ta phải cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, một mặt chúng ta vẫn cần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, công vụ để đội ngũ đó truyền tải ý tưởng, chủ trương tới công việc cụ thể, giải quyết công việc nhanh, hiệu quả để chúng ta có thể thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Đặc biệt khi có làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài từ các quốc gia khác, chúng ta phải làm mạnh công tác này để có thể đón đầu và thu hút thêm những dòng đầu tư nước ngoài từ làn sóng chuyển dịch đó.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Có thể nói, với chiến lược phù hợp và sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng với chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế./.

Bích Ngọc