ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: CẦN CÓ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT SÁNG KIẾN LẬP PHÁP

05/04/2021

Trong phiên thảo luận tại Tổ về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát ngay từ sáng kiến lập pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp.

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh 

Đại biểu đồng tình với nhiều nội dung cơ bản tại các báo cáo công tác nhiệm kỳ và khẳng định Quốc hội, Chính phủ đã có một nhiệm kỳ hoạt động với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo bước đột phá trên nhiều phương diện công tác. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ vẫn còn một số tồn tại cần nhận diện và khắc phục trong nhiệm kỳ tới:

Đối với hoạt động nhiệm kỳ của Quốc hội: về lĩnh vực lập pháp, đại biểu cho rằng chức năng lập pháp là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội tuy nhiên, vai trò lập pháp vừa rồi dường như còn thụ động. Theo đại biểu, Quốc hội phải có cơ chế kiểm soát từ sáng kiến lập pháp, phải thông qua sáng kiến lập pháp, tức là ý tưởng đầu tiên hình thành giống như đề cương thì Quốc hội phải thông qua việc đó rồi, có đồng ý sẽ làm một luật như vậy không? Quốc hội biểu quyết thông qua việc đó là vô cùng cần thiết. Thứ hai, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phải có ít nhất 2 loại chuyên gia: một loại chuyên gia là chuyên gia ngành; loại chuyên gia thứ hai là chuyên gia về pháp luật. dự thảo Luật phải được soạn thảo bằng ngôn ngữ và kỹ thuật lập pháp phù hợp. Từ câu, từ, cách thức trình bày phần, chương, điều, khoản, v.v. tất cả mọi thứ đều phải tuân thủ kỹ thuật lập pháp. Thứ ba, theo đại biểu thì cơ quan soạn thảo nên cơ cấu 1 nhóm soạn thảo gồm có các chuyên gia ngành và chuyên gia lập pháp, chuyên gia về pháp luật

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng hoạt động của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chuyển từ tham luận sang một Quốc hội tranh luận. Trong những nhiệm kỳ trước đó, kể cả nhiệm kỳ XIII và nhiệm kỳ XIV thì tính chất tranh luận đã tăng lên, điều này được nhân dân và cử tri đánh giá cao. Cử tri mong muốn sau mỗi kỳ họp những vấn đề còn tồn tại, những bức xúc trong xã hội nêu tại nghị trường sẽ được giải quyết triệt để, tạo chuyển biến tích cực.

 Về vấn đề kiểm soát quyền lực, Quốc hội thực thi giám sát của mình mạnh mẽ hơn và đưa những vấn đề giám sát đó ra Quốc hội để thảo luận, những vấn đề đó là những vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống. Chức năng giám sát này cũng là một biện pháp để chúng ta kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhiệm kỳ tới, theo đại biểu việc này phải được phát huy hơn nữa, bởi vì khi kiểm soát quyền lực và khi giám sát, khi chất vấn như vậy sẽ giúp cho hoạt động của Chính phủ hoàn thiện hơn.

Đối với hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016b -2021, đại biểu đề nghị là phải tăng tính kỹ trị lên, vấn đề chính trị và kỹ trị luôn là một vấn đề song song, đã có một thời sau chiến tranh chúng ta chấp nhận là chúng ta từng bước kỹ trị thôi. Nhưng mà đến bây giờ là công nghiệp 4.0, đến bây giờ thế giới số, kỷ nguyên số…. Do đó theo đại biểu cần phải tăng cường tính kỹ trị trong điều hành của Chính phủ./.

Lê Anh