ĐBQH MAI KHANH: NHIỆM KỲ THÀNH CÔNG VỚI NHIỀU DẤU ẤN ĐỔI MỚI

05/04/2021

Góp ý vào các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021, đại biểu Mai Khanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cho rằng đây là nhiệm kỳ thành công trong hoạt động của Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ với nhiều dấu ấn đổi mới trên các mặt công tác.

Đại biểu Mai Khanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với các báo cáo của Quốc hội, của Chủ tịch nước, của Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Đại biểu khẳng định, kỳ Quốc hội XIV được đánh giá rất thành công và để lại nhiều dấu ấn, như lời đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã nói là mỗi đại biểu đều có thể tự hào về những đóng góp của mình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Để góp ý cho nhiệm kỳ tới, đại biểu cho rằng, về phần điều hành tranh luận trong các phiên họp. Đây là một điểm mới tương đối thành công, tạo ra được không khí dân chủ, thẳng thắn. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề cần rút kinh nghiệm, Khi phát biểu về những tranh luận, phải nhìn thẳng vào sự thật là nhiều ý kiến tranh luận rất sâu, rất thiết thực, rất thẳng thắn. Tuy nhiên, ở góc độ về văn hóa tranh luận, đôi khi ứng xử của một số đại biểu trong nghị trường chưa đạt. Do đó, đại biểu cho rằng, trong khóa mới cần phải có tác động nhiều hơn của chủ tọa điều hành các phiên tranh luận.

Về báo cáo của các cơ quan tư pháp, của Tòa án nhân dân tối cao. Theo đại biểu, Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 đến nay bước sang năm thứ 7 thực hiện cho thấy có những tồn tại, bất cập nhất định, liên quan đến một số luật, can hệ đến việc thực hiện tố tụng của một số cơ quan pháp luật, trong đó có tòa án:

Thứ nhất, từ đầu nhiệm kỳ Báo cáo của đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã xác định mỗi một năm số vụ việc tòa án phải giải quyết tăng đều khoảng 8%, cụ thể khoảng gần 400.000 vụ án năm đầu nhiệm kỳ tăng lên hơn 500.000 vụ án năm cuối nhiệm kỳ. Đây là một áp lực rất lớn và đại biểu cho rằng có thể Tòa án tối cao khi báo cáo trước Quốc hội cũng còn dè dặt trong việc nói đến những áp lực đối với ngành tòa án. Theo đại biểu, ngành nào cũng có những áp lực riêng nhưng đại biểu cho rằng câu chuyện tinh giản biên chế hiện nay đang gây ra những khó khăn rất lớn cho ngành tòa án. Trong báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao cũng còn dè dặt trong việc đề nghị những vấn đề  này. Do đó, đại biểu đề nghị trong nhiệm kỳ tới Quốc hội, các cơ quan chức năng nên có sự cân nhắc, xem xét, không bổ sung thì cũng giữ được biên chế của ngành tòa án như trước khi thực hiện tinh giản biên chế để làm sao tháo gỡ bớt áp lực đối với ngành tòa án. Luật Tổ chức Tòa án có quy định về thành viên Hội đồng thẩm phán không dưới 13 người và không quá 17 người. Nhưng theo đại biểu khi thực hiện trong thực tế đã xảy ra những vướng mắc nhất định.

Đại biểu nêu ví dụ: như các đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án tối cao có thể công tác đến 65 tuổi, nhưng ở cương vị lãnh đạo chỉ đến 60 tuổi, trong thực tế đã có những lúc không thể bổ nhiệm được Thẩm phán Tòa án Tối cao và từ đó sẽ vướng mắc trong việc bổ nhiệm lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Do đó riêng về Luật Tổ chức Tòa án, đại biểu thấy có 2 vấn đề kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần tham mưu cho Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng để xem xét, cân nhắc, tổng hợp  có những điều chỉnh cho phù hợp. Đại biểu cho rằng có thể nới rộng số lượng hội đồng thẩm phán sẽ giải quyết được câu chuyện đội ngũ kế cận để làm nguồn bổ nhiệm lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trong khi các đồng chí nguyên lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao vẫn tiếp tục công tác đến 65 tuổi với vai trò Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, về thực hiện 4 cấp xét xử, đại biểu cho biết, cũng đã góp ý trong một số diễn đàn. Hiện nay, thẩm quyền giám đốc thẩm của tòa án nhân dân cấp tỉnh, theo Luật Tổ chức Tòa án đã chuyển về cho Tòa án nhân dân cấp cao. Căn cứ vào báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao cũng như báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, rõ ràng việc này đang gây ra những bất cập, đó là không giải quyết hết được giám đốc thẩm. Theo đại biểu, những bất cập này cần được sớm nghiên cứu, có quy định phù hợp để tháo gỡ.

Về Luật tố tụng hành chính, theo quy định tại Điều 60 trong thời gian vừa qua rất nhiều ý kiến nói đến việc ủy quyền tham gia tố tụng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Đại biểu đề nghị, Quốc hội khóa tới và Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan tham mưu cũng nên kiến nghị với Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Tố tụng hành chính phù hợp với các quy định của luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự để đảm bảo cho các bên chủ thể tham gia vào tố tụng bình đẳng trước pháp luật và tránh được những phản ứng theo hướng tiêu cực của dư luận. Cuối cùng, đại biểu cho rằng, các cơ quan tố tụng cần phải đẩy mạnh việc cung cấp thông tin đầy đủ hơn nữa cho báo chí cũng như công khai những phần còn gây tranh luận. Tổ chức cung cấp thông tin đầy đủ sẽ tránh được những việc dư luận hiểu không đúng, sai lệch về bản chất các vụ án./.

Lê Anh