QUỐC HỘI CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO TRONG ĐỐI NGOẠI TÌNH HÌNH MỚI

07/04/2021

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14, bên cạnh hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Quốc hội đã được mở rộng, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trả lời phỏng vấn.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, vai trò của Quốc hội ngày càng được khẳng định thông qua việc quyết định và thực hiện các chính sách lớn về đối ngoại, giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đôn Tuấn Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về nội dung này.

Phóng viên: Thưa Đại biểu, qua xem xét báo cáo của Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội xin đại biểu đánh giá các hoạt động đối ngoại nổi bật của Quốc hội khoá 14, đâu là điểm nhấn quan trọng của đối ngoại nhiệm kỳ này?

Ông Đôn Tuấn Phong, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội: Tôi cho rằng bối cảnh của Quốc hội khoá 14 hết sức đặc biệt, nhất là trong 2 năm cuối cùng vì chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra trong cả thời gian của nhiệm kỳ tình hình thế giới và khu vực hết sức phức tạp. Nhưng trong bối cảnh ấy có thể nói các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã được triển khai chung trong các hoạt Hoạt động đối ngoại của đảng và nhà nước và đã gặt hái được những thành tựu hết sức to lớn.Trước hết là về xây dựng khuân khổ pháp lý cho các hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế. Tôi cho rằng Quốc Hội khóa 14 đã rất chú trọng đến khâu này và đã xem xét thông qua hai luật trong đó có một luật mới là luật thoả thuận quốc tế và sửa đổi một số điều của luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Những khuân khổ pháp lý này là rất quan trọng trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế nói chung. Ngoài ra Quốc hội Việt Nam đã xem xét phê chuẩn 7 công ước quốc tế trong đó có 3 nội dung về các hiệp định tự do thương mại và bảo hộ đầu tư. Trong đó có CPTPP, EVFTA và hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu. Và cũng xem xét phê chuẩn một số hiệp ước liên quan đến biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Quốc hội khoá 14 cũng đã xem xét phê chuẩn 2 công ước của tổ chức lao động quốc tế là công ước 98 và công ước 105. Đây cũng là khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhất là trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của lao động Việt Nam và cũng khẳng định quyết tâm và thực hiện cam kết của Việt Nam trong quá trình này. Tất cả việc đó cũng tạo khuân khổ pháp lý cho việc đối ngoại nói chung và đối ngoại Quốc hội nói riêng. Hai là trong bối cảnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương đều được triển khai một cách sâu rộng. Các hoạt động đối ngoại song phương đã trực tiếp tăng cường các mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước nói riêng. Trong hợp tác đa phương có thể được coi là một điểm nhấn trong đối ngoại của Quốc hội trong nhiệm kỳ 14. Quốc hội Việt Nam đã thể hiện vai trò lớn, trực tiếp tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế của các tổ chức liên nghị viện và chúng ta đã rất chủ động tích cực. Từ chỗ tham gia một cách tích cực đã trực tiếp đưa ra những sáng kiến thậm chí là tham gia vào quá trình định hình luật chơi trong các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế. Đặc biệt Quốc hội Việt Nam đã trực trực tiếp đăng cai chủ trì và tổ chức thành công một số hoạt động nghị viện đa phương. Ví dụ như “ Diễn đàn liên nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương APPF 2016”; Thực hiện tốt “ Năm chủ tịch AIPA” , tổ chức thành công “ Đại hội đồng AIPA 41” tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Chúng ta đã để lại tiếng vang rất lớn trong bạn bè Quốc tế và khu vực.

Ông Đôn Tuấn Phong, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

Phóng viên: Để đối ngoại thành công đã khó, đối ngoại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại của Quốc hội nước ta đã ghi nhận nhiều dấu ấn, nhất là trong năm 2020. Theo đại biểu Yếu tố nào dẫn tới triển khai thành công công tác này, thưa đại biểu?

Ông Đôn Tuấn Phong, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội: Có thể nói trong tình hình dịch bệnh chúng ta vẫn tổ chức và triển khai  được nhiều hoạt động đối ngoại của Quốc hội là một điều hết sức ấn tượng.  Với phương châm vừa chủ động vừa sáng tạo vừa linh hoạt nhưng cũng thích ứng với tình hình đổi mới để phù hợp với tình hình trong năm 202, khi dịch Covid 19 diễn biến phức tạp. Cũng là năm Quốc Hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA. Tuy nhiên chúng ta cũng đã tận dụng được phát huy được khoa học kĩ thuật, đã sử dụng các kĩ thuật mới, phát huy  hình thức trực tuyến để tổ chức các hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Có thể nói trong 1 năm làm Chủ tịch AIPA, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thông qua hình thức trực tuyến. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của AIPA mà đại hội đồng cũng như các hoạt động đều được tổ chức trực tuyến.

 Với cách làm của Việt Nam, với sự chủ động của Quốc hội Việt Nam, với những sáng kiến của Việt Nam đưa ra thì các hoạt động, đặc biệt đỉnh cao là tại đại hội đồng AIPA 41 đã được tổ chức thành công. Nhiều việc chúng ta làm được, trong khi những năm gần đây khi đại hội đồng tổ chức ở một số nước khác đã không làm được. Quốc hội Việt Nam cũng đưa ra những sáng kiến, đặc biệt là sáng kiến tổ chức hội nghị của nghị sĩ trẻ, lần đầu tiên được đưa vào chương trình chính thức. Và từ nay về sau sẽ là một trong những hoạt động chính thức của Đại hội đồng AIPA.

Phóng viên: Vậy đai biểu suy nghĩ như thế nào về công tác đối ngoại khoá tới?

Ông Đôn Tuấn Phong, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội: Với những thành tựu của công tác đối ngoại đã đạt được trong những năm vừa qua. Trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong nhiệm kỳ sắp tới chắc chắn Quốc Hội Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại cả song phương và đa phương. Và cũng tiếp tục chú ý đến việc xây dựng khuân khổ pháp lý cho các hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế. Tiếp tục góp phần nâng cao vị thế của đất nước cũng như uy tín của Quốc hội Việt Nam trong bạn bè quốc tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Thanh Hải