GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: SỬA ĐỔI LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN

23/06/2021

Sau 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Luật hiện hành đã bộc lỗ những khoảng trống nhất định, chưa tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Hoạt động về SHTT đối với các sản phẩm nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm

Luật Sở hữu trí tuệ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Ngày 29 tháng 11 năm 2005, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XI thông qua Luật Sở hữu trí tuệ. Luật gồm 222 Điều, quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền này.

 Sau 16 năm thi hành, Luật đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân. Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và đã có những hoạt động tích cực đầu tư cho việc bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu. Nếu năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp thì đến năm 2020 có 55.600 đơn, tăng gần 50% số đơn đăng ký trong vòng 5 năm.

“Doanh nghiệp Việt ngày càng quan tấm đối với hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế toàn cầu, vấn đề xây dựng thương hiệu đóng một vai trò ngày càng tăng trong việc định danh doanh nghiệp trên thị trường, mở rộng thị trường”, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết.

Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế. Nếu năm 2015 có 105 đơn thì đến năm 2020 có 270 đơn. Không ít nhãn hiệu có uy tín qua nhiều thập kỷ và đã sớm tiến hành đăng ký, bảo hộ thành công ở nhiều thị trường xuất khẩu như Vinamilk, Vinacafe…

Một số chuyên gia nhận định: Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc doanh nghiệp nắm bắt và sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ mà cơ sở pháp lý quan trọng là Luật Sở hữu trí tuệ sẽ góp phần thêm tự tin để đương đầu với sức cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các doanh nghiệp ở trong nước cũng như nước ngoài.

Nhiều bài học đắt giá về nguy cơ mất thương hiệu

Gạo ST25 là niềm tự hào của Việt Nam và mới nổi danh trên thị trường thế giới được khoảng 2 năm nay, nhưng hiện đang có tới 6 doanh nghiệp tại Mỹ và Australia đăng ký xin bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy, nếu doanh nghiệp ở Mỹ hay Australia thành công, thì kỹ sư Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam đang bán gạo ST25 sẽ không thể xuất khẩu gạo sang các thị trường sở tại dưới mác nhãn hiệu ST25. Dù các đơn vị kia vẫn đang trong thời gian chờ xét duyệt, tuy nhiên, nguy cơ “mất” thương hiệu gạo này trên thị trường Mỹ và Australia rất có thể xảy ra nếu chúng ta không có động thái kịp thời.

Theo ông Ngô Văn Hiệp, Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh “Doanh nghiệp Việt Nam sở hữu thương hiệu gạo ST25 cần nhanh chóng thu thập, lưu trữ các chứng cứ chứng minh mình mới là chủ sở hữu đích thực thương hiệu gạo ST25 đồng thời cần liên hệ ngay với các hãng luật có uy tín để tiến hành thủ tục nộp hồ sơ khiếu nại, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước sở tại không cấp Văn bằng cho tổ chức, cá nhân có hành vi “đánh cắp” thương hiệu gạo ST25. Lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế, cuộc chiến pháp lý khá phức tạp đòi hỏi mất nhiều thời gian, tiền bạc”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cùng thương hiệu gạo ST25

Trước đây, nhiều thương hiệu nổi tiếng khác cũng từng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm. Đơn cử như Cà phê Trung Nguyên, năm 2000, thương hiệu này đã bị một công ty ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Sau 2 năm ròng rã thương thảo, doanh nghiệp mới lấy lại được thương hiệu. Thương vụ dàn xếp đã ngốn của Trung Nguyên hàng trăm nghìn USD. Sau "cú vấp" này, Trung Nguyên đã đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia. Nước mắm Phú Quốc cũng từng bị một doanh nghiệp khác tại Mỹ đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Để tìm lại tên cho nước mắm Phú Quốc cũng phải mất 6 năm sau khi chứng minh quyền sở hữu của mình.  Hay Kẹo dừa Bến Tre cũng dơi vào cảnh "chịu trận" tương tự vì chậm chân trong bảo hộ thương hiệu ra nước ngoài và phải rất vất vả, kẹo dừa Bến Tre mới trở về quê hương ở miền Tây.

“Trong thời gian vừa qua một loạt các thương hiệu bị các doanh nghiệp nước ngoài họ đăng ký trước khi doanh nghiệp của chúng ta hướng đến vươn ra thị trường quốc tế. Đây là các vấn đề còn có những bất cập do tư duy nhận thức của các doanh nghiệp ở Việt Nam nhiều quy định của pháp luật chưa nắm rõ và đặc biệt chúng ta cũng đang chỉ quan tâm đến các vấn đề sản xuất và được đến đâu tiêu thụ, mong muốn sản phẩm tốt hơn để đáp ứng yêu cầu thị trường. Tuy nhiên vấn đề đăng ký bản quyền rõ ràng đang là vấn đề còn xa xỉ đối với các doanh nghiệp Việt hiện nay.” ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khoá XIV chia sẻ.

Những ví dụ điển hình trong việc chậm trễ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt trước đây và gần đây nhất là gạo ST25 cho thấy một thực trạng nhức nhối đã kéo dài nhiều năm nay về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới còn hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ và thông tin phát triển nhanh và mạnh như hiện nay doanh nghiệp có khả năng mất thị trường, mất quyền từ việc không đăng ký kịp thời quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đối với nhãn hiệu nói riêng mà cơ sở pháp lý cao nhất là Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới Luật khác. Do vậy, doanh nghiệp cần phải coi sở hữu trí tuệ là một hàng rào bảo vệ vững chắc cho các nỗ lực xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tự tin hội nhập.

Luật Sở hữu trí tuệ bộc lộ nhiều bất cập

Trải qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã tạo môi trường pháp lý lành mạnh, bảo hộ và khai thác có hiệu quả các tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Luật đã phát sinh những vướng mắc nhất định và chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 199, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta có chiều hướng gia tăng do phần lớn các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hành hành với mức phạt không cao, dẫn đến kém hiệu quả trong công tác đấu tranh xử lý. Chính vì vậy mà tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Riêng năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý trên 66 nghìn vụ vi phạm.

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển ĐHQGHN, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành vẫn còn nhiều khoảng trống. Pháp luật về khoa học công nghệ trong việc quản lý bản quyền sở hữu trí tuệ khoa học xã hội nhân văn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng đạo văn vi phạm bản quyền tác gỉa tràn lan. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có cơ chế kiểm soát việc đạo văn ở cấp độ toàn cầu. Chẳng hạn nếu một người giỏi ngoại ngữ, họ đọc đề tài nghiên cứu khoa học ở nước ngoài sau đó dịch, sao chép sang tiếng Việt và lấy đó làm đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Vậy công tác kiểm soát vấn đề này ở nước ta dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV 

Mặt khác, trong quá trình hội nhập, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành chưa tương thích để bảo đảm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết như CPTPP hay EVFTA. Đơn cử, theo Điều 72 của Luật Sở hữu trí tuệ về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc. Nghĩa là chúng ta chỉ bảo hộ dưới dạng hình ảnh (nhìn thấy bằng mắt, tuy nhiên, hiệp định mới yêu cầu phải bổ sung thêm nhãn hiệu ở dạng âm thanh).  

“Khi chúng ta hội nhập sâu rộng với các nước thì cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế pháp luật. Những vấn đề gì còn chưa tương tích, chưa đáp ứng của luật pháp quốc tế thì chúng ta cần phải điều chỉnh kịp thời để việc cam kết được thực thi, không vi phạm nguyên tắc quốc tế....” ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với thành tựu khoa học kỹ thuật tiến nhanh như vũ bão cũng đặt ra hàng loạt vấn đề trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ mà chưa được điều chỉnh trong Luật hiện hành.

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tại Phiên họp thứ 57 vào ngày 14/6 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết sẽ cho ý kiến và thông qua Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) ở nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 đã được Quốc hội Khoá XIV thông qua. Theo đó, dự kiến, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022).

Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này cần tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Trong đó, mỗi nhóm chính sách lớn sẽ bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới. Qua đó, giúp tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để thảo thuận, ký kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế, yêu cầu của thực tiễn thi hành. Bởi lẽ việc hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ là điều bắt buộc khi các quốc gia là thành viên. Các quốc gia phải thực hiện trong tiến trình hội nhập quốc tế. Những gì còn chưa tương thích với các Công ước quốc tế liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ thì chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời để thúc đẩy hội nhập phát triển.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV

Ông Y Khút Niê, Đại biểu Quốc hội Khoá XIII, XIV cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng… đã đặt ra nhu cầu phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Để việc sửa đổi đạt được mục tiêu đề ra, phát huy được hiệu quả khi có hiệu lực thi hành thì cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, có rà soát tổng kết cụ thể để những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung sẽ phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi ban hành.  

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi cũng cần phải quy định bổ sung thêm những vấn đề chưa được pháp luật điều chỉnh, vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý trong bối cảnh hiện nay, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ ở trên không gian mạng, internet. Tức là, việc sửa đổi Luật phải đáp ứng được yêu cầu xu hướng toàn cầu hóa, số hóa, góp phần đưa Sở hữu trí tuệ thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.

Luật Sở hữu trí tuệ là một trong những bộ luật quan trọng của đất nước. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cần tiếp tục kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đang thực thi trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Luật cũng phải đảm bảo khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ./.

Lê Anh - Lê Phương