ĐBQH ĐỖ THỊ LAN: CẦN ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ THỊ 15, 16 TRONG THỜI GIAN QUA

03/08/2021

Bàn về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các Chỉ thị 15, 16 trong thời gian qua để có sự nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, từ đó ban hành Chỉ thị mới để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.


Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Đỗ Thị Lan đánh giá, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo dập dịch, hạn chế số ca nhiễm, huy động có hiệu quả nguồn lực để mua vaccine và đáp ứng các điều kiện để điều trị cho người bị nhiễm Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, khu vực nông nghiệp tăng trưởng tích cực và cao nhất trong 5 năm qua; tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản và xuất khẩu; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đặt ra; kim ngạch xuất khẩu tăng 32,2%, xuất siêu 5 năm liên tiếp.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh ở một số tỉnh, đại biểu Đỗ Thị Lan thống nhất cao việc Quốc hội kịp thời đưa vào nội dung nghị quyết của kỳ họp về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các Chỉ thị 15, 16 trong thời gian vừa qua để có sự nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, từ đó ban hành Chỉ thị mới nhằm phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng với yêu cầu khi có những biến chủng mới và phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, có sự chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, tăng cường nguồn cung cấp vaccine, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho người dân, giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong.

Đại biểu nêu dẫn chứng cụ thể từ thực tế chống dịch tại Quảng Ninh, theo đó, việc xây dựng kịch bản phòng, chống dịch chi tiết, tổ chức thực hiện nghiêm túc và tốt tất cả các khâu, như kiểm soát, truy vết, khoanh vùng, tổ chức cách ly; các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cũng như tổ dân, khu phố và người dân tham gia một cách tích cực, nắm bắt các thông tin chỉ đạo của tỉnh hằng ngày, nhờ đó sẽ không có những ca lây nhiễm trong cộng đồng, cơ bản khống chế được dịch bệnh trên địa bàn.

Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế 10 năm và nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia.

Theo đại biểu, các dự án động lực là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn, rất cần phải thu hút nguồn vốn đầu tư của lĩnh vực tư nhân, đầu tư nước ngoài cho đầu tư hạ tầng. Luật Đầu tư theo phương thức đầu tư công tư đã được Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản chi tiết, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách phù hợp, chia sẻ rủi ro, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư các dự án theo hình thức công tư.

Đại biểu Đỗ Thị Lan nêu rõ, trên thực tế, một số tập đoàn kinh tế hiện nay cũng đang gặp những khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, do vậy họ chưa mạnh dạn đầu tư nếu như không có những cơ chế, chính sách cụ thể thông thoáng, tin tưởng để đầu tư có hiệu quả.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, Chính phủ đã đưa ra giải pháp thực hiện, song song nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, trong giai đoạn tới cần phải có những giải pháp cụ thể hơn, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật về lĩnh vực xã hội như giảm nghèo, công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, dân số, v.v.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cũng cần được chú trọng, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện; phát triển thị trường lao động; đổi mới công tác đào tạo, dạy nghề đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Để làm tốt các mục tiêu này, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch và quan tâm để thực hiện.

Vũ Hà