ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA: GIAO CÁC ĐỊA PHƯƠNG XÁC ĐỊNH TIÊU CHÍ CỤ THỂ VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

03/08/2021

Góp ý cho Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nên giao các địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù vùng miền để xây dựng cụ thể, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả và triển khai đến đúng đối tượng.


Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV chính thức thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nước ta và tác động đến hàng triệu hộ nông dân ở các địa phương.

Ghi nhận ý kiến cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, phóng viên THQHVN đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa  - đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết những ấn tượng lớn nhất về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa: Chương trình xây dựng Nông thôn mới (Chuơng trình) giai đoạn 2021-2025 được xây dựng dựa trên cơ sở tiếp nối kết quả của Chương trình giai đoạn 2016-2021 theo tinh thần kế thừa và phát triển. Theo đó, Chương trình tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí Nông thôn mới ở những địa bàn chưa đạt; nâng cao tiêu chuẩn ở những nơi đã đạt chuẩn. Ấn tượng lớn nhất của tôi chính là ở nguyên tắc xây dựng chương trình: “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”. Chỉ là thông điệp ngắn gọn, nhưng Chương trình đã toát lên nhiều tầng ý nghĩa. Đó là mối quan hệ giữa nông nghiệp và nông thôn, giữa đổi mới cơ cấu nông nghiệp với vấn đề xây dựng Nông thôn mới. Ngoài ra là quá trình chuyển người nông dân từ vai đối tượng (bị động) sang vai chủ thể (chủ động), tự quyết các vấn đề của mình”. Đây là những thay đổi khá căn bản trong Chương trình lần này.

Phóng viên: Đại biểu có thể đề cập rõ hơn về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng Nông thôn mới?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa: Thực ra, việc xác định vai trò chủ thể của người dân là dựa trên nguyên tắc dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng đã được mở rộng, bổ sung thêm một số nguyên tắc: “dân đóng góp”, “dân quản lý”, “dân hưởng lợi”. Với cách tiếp cận này, người dân đã được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình xây dựng Nông thôn mới; phát huy vai trò là chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Người dân được tham gia ngay từ những khâu đầu tiên là khâu bàn bạc để xác định mô hình, xây dựng kế hoạch, thống nhất phương thức, giải pháp thực hiện. Đó vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi, cũng chính là quá trình mỗi người dân được đóng góp vào quá trình đổi mới quê hương, làng xã, bao gồm cả đóng góp vật chất, tinh thần, tạo cộng hưởng để tạo ra những đổi mới cho nông thôn Việt Nam. Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực. Khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư nông thôn sẽ từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài.

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết đề xuất của mình về tiêu chí xây dựng Nông thôn mới của nước ta trong giai đoạn phát triển hiện nay nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn được các yếu tố văn hóa truyền thống?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa: Việc điều chỉnh tiêu chí Nông thôn mới cho giai đoạn 2021-2025 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa rất lớn. Trên thực tế, quá trình triển khai Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy nhiều tiêu chí cũ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, chợ bứa, do vậy còn mang tính hình thức. Nhiều tiêu chí không phù hợp với một số địa bàn nên có nơi khó hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.

Từ thực tiễn đó, tôi cho rằng việc cơ quan Trung ương xác định tiêu chí Nông thôn mới thì chỉ nên ở dạng khung. Còn tiêu chí cụ thể thì nên giao các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù vùng miền để xây dựng tiêu chí cụ thể, bảo đảm tính thiết thực, hợp lý, làm thước đo đánh giá hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh đó, chuẩn nông thôn mới cần bổ sung thêm những tiêu chí về chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, bao gồm đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Đây là sự đầu tư theo chiều sâu, hướng tới các giá trị văn hoá bền vững. Chẳng hạn như đầu tư cho giáo dục, y tế không chỉ là tiêu chí trường học, trạm xá mà cần quan tâm tới chất lượng giáo dục, chất lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; đầu tư cho văn hoá thì không chỉ là tiêu chí nhà văn hoá, trung tâm học tập cộng đồng, mà quan trọng là các hoạt động văn hoá mà người dân nông thôn được thụ hưởng… Làm tốt điều này sẽ tránh được tính hình thức và sự lãng phí nguồn lực trong xây dựng Nông thôn mới; để hình ảnh nông thôn mới giữ được nét đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại; để phát triển nông thôn mới đúng nghĩa, không rơi vào tình trạng đô thị hoá nông thôn. Đây cũng là cách bảo vệ, giữ gìn và tạo nên giá trị đích thực cho công cuộc đổi mới nông thôn Việt Nam theo hướng phát triển, hiện đại.  

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan