Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Hoài Trung cho rằng, những vấn đề được đưa ra để giám sát chuyên đề đều là các vấn đề quan trọng. Liên quan tới dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Lê Hoài Trung nêu rõ, trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 cũng như trong thời gian tới cần phản ánh thêm những diễn biến rất lớn của một số tình hình trong xã hội.
Theo đại biểu, chương trình giám sát của Quốc hội cần làm rõ được một số vấn đề như về việc xử lý đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua. Vào năm 2022, việc khắc phục những hậu quả, những tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và việc nâng cao khả năng chống chịu, đề phòng những sự kiện như vậy trong thời gian tới như thế nào. Bên cạnh đó cần có những biện pháp như nào để vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa hội nhập quốc tế để thực hiện mục tiêu đề ra là đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại và thu nhập vượt mức trung bình thấp.
Đại biểu Lê Hoài Trung cho biết, giám sát không chỉ để phát hiện những tồn tại hạn chế, mà điều quan trọng là thấy được những việc Quốc hội và hệ thống chính trị có thể làm để hỗ trợ các cơ quan, trong đó có các cơ quan của Chính phủ để giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 không nhất thiết làm một giám sát chuyên đề nhưng nội dung giám sát cần phản ánh được nhiều hơn trong các hoạt động có liên quan đến giám sát.
Đại biểu Lê Hoài Trung cho rằng, việc nhìn thấy hết tác động của đại dịch và các biện pháp khắc phục, các biện pháp phòng, chống để nhằm thực hiện 2 mục tiêu là phát triển bền vững, phục hồi bền vững sau đại dịch và đồng thời thực hiện mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng rất quan trọng. Đặc biệt là công tác hỗ trợ cho các cơ quan của nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp, người dân, các tầng lớp của xã hội trong tình hình hiện nay./.