GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN ĐẦU TƯ THỎA ĐÁNG CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

25/08/2021

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó nòng cốt là hệ thống pháp luật. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, theo đại biểu Quốc hội cần có sự đầu tư thỏa đáng về con người và kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, việc Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế mà trong đó nòng cốt là hệ thống pháp luật là xác đáng. Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, trong đó từ đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức rà soát, đánh giá hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, khoảng 8.800 văn bản, trong đó có khoảng 230 đạo luật. Qua đó phát hiện hàng trăm văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn và đã báo cáo Quốc hội một số nội dung tại Báo cáo 442 ngày 1/10/2020. Đại biểu cho biết, đây là nguồn dữ liệu đầu vào rất quan trọng để chúng ta có thể đề xuất chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật sát thực tiễn.

 Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Mặc dù đánh giá cao về sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời xử lý các kết quả rà soát. Tuy nhiên, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng những bất cập đã được phát hiện qua rà soát văn bản còn rất lớn, ở các cấp độ văn bản khác nhau, chúng ta mới chỉ xử lý được một phần. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, coi đây là giải pháp cơ bản, thường xuyên để đảm bảo chất lượng của thể chế nói chung và hệ thống pháp luật nói riêng.

Để thực hiện được nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, đại biểu kiến nghị, vấn đề cần đặt lên hàng đầu giai đoạn hiện nay là tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật. Trước hết là đội ngũ pháp chế chuyên trách ở các bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh (gọi chung là đội ngũ pháp chế). Mặc dù chúng ta có nhiều giải pháp để huy động chuyên gia, trí tuệ xã hội nhưng đây vẫn là lực lượng nòng cốt, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kể cả hiệu quả thi hành pháp luật. Yêu cầu tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ đặt ra ở nhiều lĩnh vực. Đại biểu nhấn mạnh với tầm quan trọng đặc biệt của thể chế thì rất cần phải có giải pháp đủ mạnh, ưu tiên củng cố, tăng cường năng lực đội ngũ pháp chế; đặt công tác pháp chế, xây dựng pháp luật thuộc nhóm việc đòi hỏi khắt khe nhất về phẩm chất, tư duy, trí tuệ, đạo đức nghề, từ đó có cơ chế thu hút, đãi ngộ phù hợp, tiền lương thỏa đáng cho đội ngũ pháp chế khi triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương trong thời gian tới;…

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những ưu tiên hợp lý cho nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và thi hành pháp luật để tạo bước đột phá căn bản là nền tảng cho việc thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng

Theo đại biểu tại Văn kiện Đại hội XIII đã xác định rõ một trong 3 đột phá chiến lược cho giai đoạn tới là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế sẽ là điểm nút, tạo nền tảng và tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025, đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công. Theo dõi, tổ chức thực hiện để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thúc đẩy phát triển theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 45 ngày 6/4/2021 của Chính phủ. Với tinh thần mà Nghị quyết 18 của Trung ương đã nêu là những việc đã rõ cần thực hiện thì thực hiện ngay. Trong xây dựng thể chế cũng vậy, nếu thể chế mà còn vướng, cản trở cho sự phát triển cũng cần phải sửa đổi kịp thời.

Ngoài ra, đại biểu Lã Thanh Tân cũng đưa ra một số kiến nghị cụ thể: Đối với hoàn thiện pháp luật về y tế, đề nghị giai đoạn 2021-2025 cần tập trung nghiên cứu sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn thực phẩm, ban hành Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Y dược cổ truyền, nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách an toàn, thuận lợi của tất cả người dân. Nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Đối với hoàn thiện pháp luật về thể chế kinh tế thị trường giai đoạn 2021-2025 cần phải ráo riết hơn nữa cho việc nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về thuế, ngân sách, đầu tư, xây dựng, đất đai và cần phải chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa cho các bộ, ngành, địa phương trong từng lĩnh vực cụ thể để tạo sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Ghi nhận ý kiến của các vị ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh cùng với việc tập trung chống đại dịch Covid, vấn đề xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trước và sau khi kiện toàn ngành. Bộ trưởng cho biết, trước mắt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung vào hiện thực hóa các kết quả rà soát trong Báo cáo Quốc hội số 442; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung, trong đó chọn ra một số vấn đề cấp thiết, bức xúc đề xuất để Quốc hội xem xét thông qua trước. Đối với những vấn đề dài hơi đã và sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để tập trung xử lý trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng khẳng định, theo nguyên tắc là thực hiện triệt để các quy định về phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng như thực hiện các biện pháp khác như: Tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức trực tiếp trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật;..../.

Lê Anh