ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI LÊ TRƯỜNG LƯU: CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ LÀ ĐỘNG LỰC ĐỂ THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN

22/10/2021

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, cơ chế, chính sách đặc thù chính là động lực để Thừa Thiên Huế phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế ông Lê Trường Lưu trả lời phỏng vấn về cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế

Phóng viên: Thưa đại biểu! Cơ chế về chính sách, đặc thù cho Thừa Thiên Huế là điều mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh mong mỏi từ lâu. Xin ông cho biết tính chất cần thiết cùa Nghị quyết này đối với tỉnh trong thời gian tới?

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị năm 2009 với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, sự hỗ trợ của Trung ương, chúng tôi đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa xã hội quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên đánh giá lại thì nhiều mục tiêu chưa đạt theo đề ra như: thu nhập bình quân đầu người còn thấp, huy động nguồn lực và tốc độ tăng trưởng chưa đạt yêu cầu, phát triển đô thị còn chậm. Và mục tiêu cơ bản là đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì chúng tôi chưa thực hiện được. Với tình hình đó chúng tôi đã tổng kết 10 năm thực hiện NQ48 và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54. Với Nghị quyết này đã mở ra chiến lược phát triển cho TT Huế đến 2025, 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong Nghị quyết này nêu lên cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho TT Huế. Và chúng tôi mấy nhiệm kỳ qua loay hoay tìm hướng đi riêng cho tỉnh và việc Chính phủ trình Quốc hội kỳ này thông qua nhằm hỗ trợ tỉnh huy động thêm nguồn lực đầu tư phát triển, giúp cho tỉnh có điều kiện phát triển đô thị, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Đây là điều hết sức cần thiết.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Dự thảo Nghị quyết đã nêu rõ sẽ khai phá hết những dư địa của Thừa Thiên Huế cũng như tăng tính tự chủ, trách nhiệm của địa phương. Xin đại biểu cho biết quan điểm của mình đối với vấn đề này?

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Ở đây có hai phần, thứ nhất là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế xã hội. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng đô thị, sinh thái, di sản, thân thiện với môi trường và thông minh. Tập trung cho các nhóm giải pháp chiến lược: phát triển đô thị, thu hút đầu tư, cân bằng thu chi ngân sách và huy động tất cả nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên với sự nỗ lực riêng của địa phương vẫn chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ từ Trung ương, nguồn lực và cả cơ chế, chính sách.

Phóng viên: Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ con đường phát triển của Thừa Thiên Huế con đường phát triển của Huế là bảo tồn di sản văn hóa cũng như phát triển bền vững. Xin đại biểu cho biết mục tiêu này đã được tập trung thực hiện thời gian qua như thế nào?

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh đã có những bước triển khai cụ thể. Tinh thần là đã đưa vào Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025, thể hiện đầy đủ các mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết 54 đề ra. Ngay từ đầu nhiệm kỳ chúng tôi đề ra 4 Nghị quyết chuyên đề gồm: xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc cả nước và khu vực, xây dựng tỉnh thành trung tâm giáo dục đa ngành đa lĩnh vực chất lượng cao, xây dựng trung tâm khoa học công nghệ, xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước. Gần đây nhất chúng tôi đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở rộng đô thị Huế từ diện tích khoảng 70km2 lên đến 2247km2 để làm tiền đề xây dựng phát triển đô thị, nâng cấp cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.

Tiểu Bảo