ĐBQH NGUYỄN TẠO: ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHUNG CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG

22/10/2021

Tham gia ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách liên quan cho các tỉnh, thành phố.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Đánh giá cao việc Quốc hội đưa ra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, đây là giải pháp nhằm tạo cơ chế tạo hành lang pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Trước đây, cũng đã có Nghị quyết cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng,…

Đại biểu cho biết, tính tới ngày 01/08/2021, cả nước có 02 đô thị đặc biệt (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh); 22 đô thị loại I(03 đô thị trực thuộc trung ương (thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ), 19 đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Theo đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề xuất việc ban hành nghị quyết và thực hiện đồng bộ các Nghị quyết áp dụng với các thành phố trực thuộc Trung ương để các thành phố đều có cơ chế đặc thù như nhau, bảo đảm tính tương đồng. Đồng thời, đối với khung pháp lý, cần quy định chung với cơ chế cho các thành phố trực thuộc Trung ương, như: thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ để có tương quan với thành phố Đà Nẵng, để các địa phương dễ thực hiện, không có sự phân biệt trong khung pháp luật. Cùng với đó, nên cân nhắc triển khai thành nhóm nghị quyết áp dụng tương quan với các địa phương để quyết định và thông qua.

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng kiến nghị, cần có lộ trình xây dựng cơ chế đặc thù cho nhóm các tỉnh tự cân đối ngân sách và tự điều tiết ngân sách cho Trung ương như: Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Khánh Hòa…

Ngoài ra, cần quy định rõ thời gian thực hiện các nghị quyết theo các giai đoạn. Qua đó, Quốc hội cần có sự đánh giá, xem xét quá trình thực hiện các nghị quyết theo từng năm để tiếp tục triển khai nhân rộng, áp dụng hiệu quả tại các địa phương khác. Trong quá trình thực hiện, đề nghị có cân nhắc khoản quy định về việc chuyển tiếp, để thi hành cho chặt chẽ, nhất là lưu ý vấn đề khi nghị quyết này đang thực hiện lại có sự thay đổi bới một văn bản pháp luật có tính chất pháp lý cao hơn. Từ đó, nhằm mục tiêu đảm bảo ổn định phát triển cho các địa phương, tránh chồng chéo giữa các văn bản pháp lý./.

Kim Liên